Làm giả giấy tờ để công chứng có thể bị phạt tới 15 triệu đồng

(PLO) - Hành vi gian dối hoặc không trung thực khi làm chứng hoặc phiên dịch bị đề xuất áp dụng mức phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng. 

Theo Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã mà Bộ Tư pháp đang xây dựng, mức phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 7 triệu đồng được đề xuất áp dụng đối với một trong các hành vi sau: Sửa chữa hoặc tẩy xóa giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch; Sử dụng giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp bị tẩy xóa hoặc sửa chữa để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch; Không thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó trong trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng khác.

Hành vi gian dối hoặc không trung thực khi làm chứng hoặc phiên dịch bị đề xuất áp dụng mức phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng. 

Mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng được đề xuất áp dụng đối với một trong ba nhóm hành vi. Thứ nhất: Làm giả giấy tờ, văn bản hoặc giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng; giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng; giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người có quyền và nghĩa vụ có liên quan đến hợp đồng, giao dịch để được công chứng hợp đồng, giao dịch; làm giả giấy tờ, văn bản để được công chứng bản dịch. Thứ hai: Yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch để che giấu hợp đồng, giao dịch khác. Thứ ba: Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật hoặc sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch. Bên cạnh đó, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là hủy bỏ giấy tờ, văn bản giả.

Ngoài ra, Công chứng viên đã công chứng hợp đồng giao dịch, bản dịch phải yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. 

Đọc thêm