Làm sao khai sinh cho con khi cả hai chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn?

(PLO) - “Vì quá yêu nhau, tuổi trẻ bồng bột lại ít kinh nghiệm nên em trót dính bầu. Em và bạn trai xác định sẽ lấy nhau nên giữ lại đứa trẻ nhưng tính đến khi sinh con, em mới 17 tuổi còn bạn trai 18 tuổi nên chưa thể đăng ký kết hôn. Em xin hỏi trường hợp này em có được đăng ký khai sinh (ĐKKS) cho con hay phải đợi khi người mẹ đủ 18 tuổi? Bạn trai em có được ghi tên là người cha trong giấy khai sinh hay phải đợi hoàn tất thủ tục kết hôn?”- bạn Thanh Thảo (17 tuổi, ở huyện Quốc Oai, Hà Nội) hỏi. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

- Về trường hợp của bạn Thanh Thảo, luật sư tư vấn như sau: Theo Điều 29 Bộ luật Dân sự quy định: “Cá nhân khi sinh ra có quyền được khai sinh”. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 11 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 cũng nêu rõ: “Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch”. Đối chiếu với trường hợp của bạn, mặc dù bạn sinh con khi chưa đủ tuổi kết hôn nhưng cháu bé con của bạn vẫn có quyền được ĐKKS và ghi tên bố, mẹ trong giấy khai sinh.

Tuy nhiên, do giữa bạn và bố đứa trẻ chưa tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 nên con của 2 người sẽ là con ngoài giá thú. Vì vậy, nếu muốn ghi tên bố trong giấy khai sinh của cháu bé thì phải làm thủ tục nhận cha con tại cơ quan hộ tịch cấp xã, nếu thấy việc nhận con là đúng quy định của pháp luật, UBND xã sẽ kết hợp giải quyết việc nhận con và ĐKKS.

Về thủ tục ĐKKS cho cháu bé vẫn thực hiện như việc ĐKKS thông thường được quy định tại Điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014. Cụ thể: “1.Người đi ĐKKS nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân…”.

Về thủ tục đăng ký nhận cha con được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch. Theo đó, người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc”. 

Đọc thêm