Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam: Xây dựng luật phù hợp với Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia

(PLVN) - Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) được Bộ Quốc phòng lấy ý kiến góp ý nhằm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện, kịp thời chủ trương, quan điểm, nguyên tắc của Đảng về bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG), luật hóa nhiệm vụ biên phòng, các hình thức quản lý, bảo vệ biên giới, biện pháp công tác biên phòng... phù hợp với yêu cầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, BGQG trong tình hình mới.
 Lực lượng tham gia tuần tra song phương Việt Nam - Lào gặp gỡ tại cột mốc. Ảnh: Thành Phú
Lực lượng tham gia tuần tra song phương Việt Nam - Lào gặp gỡ tại cột mốc. Ảnh: Thành Phú

Tên gọi Luật BPVN là phù hợp

Mới đây, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban soạn thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) đã chủ trì Hội nghị Ban soạn thảo Luật BPVN.

Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ban ngành tham gia soạn thảo Luật BPVN. Dự thảo Luật BPVN gồm 7 chương, 32 điều. Luật này sẽ thay thế Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng số 02/1997/PL-UBTVQH9. 

Theo các đại biểu, tên gọi của dự án luật được xác định rất quan trọng vì liên quan đến nội hàm, phạm vi điều chỉnh. Tại Hội nghị, có hai luồng ý kiến khác nhau về tên gọi của dự án luật. Một số đại biểu cho rằng, dự án Luật BPVN nên sửa lại tên thành Luật Bộ đội Biên phòng (BĐBP) vì sau hơn 20 năm thực thi, đến nay Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng số 02/1997/PL-UBTVQH9 đã trở thành “chiếc áo quá chật”, trong khi đó Luật BPVN lại là “chiếc áo quá rộng”.

Việc đặt tên dự án luật là Luật BĐBP tức là may “một chiếc áo vừa vặn”, vừa kế thừa được Pháp lệnh BĐBP, vừa cụ thể, vừa dễ làm. Tuy nhiên, đông đảo các đại biểu khác lại khẳng định nên đặt tên dự án luật là Luật BPVN. 

Nước ta có 7.913,556 km đường biên giới đất liền và trên biển (biên giới đất liền: 4.653, 556 km; biên giới biển: 3.260 km), với 44 tỉnh, thành phố có biên giới quốc gia (BGQG), gồm: 239 huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh với 1.109 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới (KVBG).

Biên giới đất liền Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia, gồm: 25 tỉnh, 103 huyện, thị xã biên giới và 435 xã, phường, thị trấn KVBG, có 23 cửa khẩu quốc tế, 19 cửa khẩu chính; 63 cửa khẩu phụ, 03 cảng nội địa. Tuyến biển, đảo: Vùng biển nước ta rộng trên 1 triệu km2 (vùng nội thủy, lãnh hải chiếm 37%), có 28 tỉnh, thành phố ven biển...

Và hiện nay, tình hình chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia (BGQG), vùng biển, đảo tiếp tục có những diễn biến phức tạp đặt ra nhiều yêu cầu mới to lớn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, BĐBP nói riêng phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ BGQG, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới như: “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”,“Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ BGQG” đã xác định rõ nhiệm vụ biên phòng, đồng thời xác định cụ thể lực lượng bảo vệ BGQG, đề ra phương hướng nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, trong đó xác định “Sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam”. Do đó, đặt tên dự thảo luật là Luật BPVN là phù hợp. 

Xây dựng luật cần tư duy mới

Luật BPVN khi xây dựng phải đáp ứng yêu cầu luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm theo quy định tại Điều 14, Điều 66, Điều 67 Hiến pháp năm 2013.

Luật phải phù hợp với các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan như: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, Luật An ninh quốc gia năm 2004 và Luật Quốc phòng năm 2018…

Ông Nguyễn Đăng Thắng-Vụ trưởng Bộ phận chính sách và Pháp lý, Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao cho rằng, để xây dựng Luật BPVN, cần có một tư duy mới, phải xem xét, căn cứ vào pháp luật quốc tế, luật biên giới quốc gia các nước láng giềng để quy định phù hợp với các văn bản, hiệp định BGQG, quản lý biên giới các quy chế biên giới đất liền đối với các nước láng giềng, tạo điều kiện cho thực hiện pháp luật quốc tế về BGQG mà Việt Nam đã phê chuẩn. 

Về nội dung, xây dựng Luật BPVN phù hợp hơn Luật BĐBP. Hiện chúng ta đã xây dựng được hệ thống đường biên giới ổn định, ta không chỉ quản lý về biên giới mà còn hợp tác để phát triển. Khi hội nhập sâu rộng, mục đích khi xây dựng Luật BPVN là quản lý, bảo vệ và hợp tác phát triển.

Muốn hợp tác phải có cơ sở nên phải thay đổi tư duy. Luật BPVN là cơ sở để các Bộ ngành tham gia. Trong khi đó, về cấu trúc văn bản, chú trọng quá nhiều về BĐBP nên cần phải có sự cân đối, điều chỉnh cho phù hợp. 

Tranh luận thứ hai xoay quanh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP. Thiếu tướng Đỗ Quang Thành-Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, về quyền hạn của BĐBP, đề nghị rà soát đúng chức năng, tránh chồng chéo, gây khó khăn cho hoạt động của BĐBP. 

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh-Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính Bộ Công an nêu vấn đề, trong dự thảo luật quy định một quyền hạn về thẩm quyền điều tra hình sự của BĐBP, mở rộng việc điều tra hình sự gần 20 tội nữa. BĐBP vừa quản lý nhà nước, vừa điều tra hình sự, do đó, phải ngồi lại rà soát xemđể có cơ sở pháp lý tốt nhất… 

Đọc thêm