Luật Đấu giá tài sản không hạn chế quyền tự do kinh doanh

(PLO) - Đây là khẳng định của Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Mai khi tham dự đối thoại trực tuyến “Tìm hiểu Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) năm 2016 và việc triển khai Luật” do Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật và Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp tổ chức hôm qua (3/10). Khách mời của buổi đối thoại còn có ông Quản Văn Minh, Đấu giá viên, Chủ tịch Hội Đấu giá viên TP Hà Nội. Cùng tham dự có Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Ngô Quỳnh Hoa. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Luật ĐGTS năm 2016 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 2 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017. Luật gồm 8 chương, 81 điều, là một văn bản pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động bán ĐGTS - một lĩnh vực cũng còn khá mới mẻ ở nước ta.

Linh hoạt về tài sản được bán qua đấu giá

Giới thiệu về Luật ĐGTS, theo bà Mai, đây là văn bản pháp lý đầu tiên có hiệu lực cao nhất điều chỉnh hoạt động ĐGTS tại Việt Nam kể từ khi nghề đấu giá được khai sinh vào năm 1946. Luật ĐGTS là luật hình thức nên nội dung cốt lõi, linh hồn của Luật là các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá. Việc tài sản nào phải bán thông qua đấu giá thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật nội dung. Hiện nay, pháp luật nội dung như Luật Đất đai, Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Khoáng sản, Luật Thi hành án 

dân sự… đã quy định cụ thể, rõ ràng tài sản nào phải bán thông qua đấu giá, tài sản nào xử lý theo phương thức chỉ định. Điều 4 Luật ĐGTS đã liệt kê những tài sản mà theo quy định của pháp luật hiện hành phải bán thông qua đấu giá để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của Luật và cũng có quy định “quét” để có thể bổ sung các loại tài sản bán qua đấu giá theo pháp luật chuyên ngành.

“Các quy định này hết sức chặt chẽ nhằm bảo đảm hoạt động đấu giá công khai, minh bạch, thu hút nhiều người tham gia trả giá nhằm tối đa hóa giá trị của tài sản đấu giá nhưng đồng thời cũng phải có tính linh hoạt để khuyến khích tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức đấu giá trong việc xử lý tài sản của mình, hướng tới một thị trường đấu giá chuyên nghiệp theo đúng nghĩa” – bà Mai đánh giá. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về tổ chức ĐGTS, đấu giá viên, thù lao dịch vụ đấu giá, xử lý vi phạm trong hoạt động ĐGTS và quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐGTS…

Một nội dung được nhiều bạn đọc quan tâm đặt câu hỏi là tại sao chỉ có doanh nghiệp tư nhân với công ty hợp danh được kinh doanh đấu giá, còn các hình thức khác như công ty TNHH với cổ phần lại không được? Liệu đó có phải là quy định hạn chế tự do kinh doanh hay không? 

Giải đáp những thắc mắc trên, bà Mai phân tích: “Vấn đề này đã được Quốc hội thảo luận rất kỹ trong quá trình xây dựng Luật. ĐGTS là một hoạt động bổ trợ tư pháp, cũng như các hoạt động bổ trợ tư pháp khác và theo thông lệ ĐGTS quốc tế thì các doanh nghiệp ĐGTS phải chịu trách nhiệm vô hạn về hoạt động của mình. Như vậy, chỉ có doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh đáp ứng được quy định này. Quy định của Luật ĐGTS cũng phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp. Vì theo Điều 3 Luật Doanh nghiệp, thì trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó” và nhấn mạnh quy định trên của Luật ĐGTS là không hạn chế quyền tự do kinh doanh.

Quan trọng vẫn là yếu tố con người

Ông Quản Văn Minh nhận định, Luật ĐGTS đã hạn chế rất nhiều thành phần thông thầu, liên kết với nhau để dìm giá tài sản. Luật cũng đưa ra những giải pháp cụ thể như vấn đề niêm yết phải rõ ràng hơn, đảm bảo tính minh bạch, công khai. Điều kiện tham gia đấu giá ngoài điều kiện theo Luật này thì còn có các quy định về luật chuyên ngành, bảo đảm tính hợp pháp, hồ sơ pháp lý của tài sản đem ra đấu giá... Luật còn quy định rõ ràng về tiền đặt trước, tùy theo từng phiên đấu giá, mà sẽ lựa chọn mức tiền đặt trước. Nếu có dấu hiệu thông thầu, sẽ nâng số tiền đặt trước…

Đặc biệt, điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành đấu giá viên đã được nâng tầm. Cụ thể, Luật yêu cầu phải có 3 năm làm trong nghề thì mới được đi học tại Học viện Tư pháp. Sau thời gian học 6 tháng, nếu hoàn thành chương trình và 6 tháng tập sự tại tổ chức đấu giá chuyên nghiệp hoặc trung tâm đấu giá của Sở Tư pháp và dự một kỳ thi nếu đạt thì mới trở thành đấu giá viên. Ngoài ra, người này phải là cử nhân luật, cử nhân kinh tế. Còn trong trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá thì phải là luật sư, công chứng viên, quản tài viên, thừa phát lại có thời gian hành nghề từ 2 năm trở lên…

Tâm đắc với rất nhiều quy định của Luật ĐGTS nhưng ông Minh khẳng định, quan trọng vẫn là yếu tố con người, xây dựng được đội ngũ đấu giá viên có tâm, có tầm, có đạo đức trong nghề. “Tôi nghĩ cần xây dựng đạo đức nghề nghiệp của đấu giá viên để tạo dựng uy tín nghề nghiệp cũng như xây dựng cơ chế tài chính hài hòa để đảm bảo quyền lợi cho đấu giá viên” – ông Minh đề xuất.

Là Chủ tịch của Hội Đấu giá viên đầu tiên được thành lập trên phạm vi cả nước, ông Minh chia sẻ thêm đôi nét về vai trò của Hội đối với việc triển khai Luật ĐGTS. Theo đó, một trong nhiệm vụ của Hội là lập kế hoạch và xin ý kiến Sở Tư pháp để tuyên truyền về Luật ĐGTS cho người dân hoặc tổ chức các buổi tọa đàm với các đấu giá viên của mình. Hội cũng tổ chức nghiên cứu Luật ĐGTS và các văn bản pháp luật liên quan để có những kiến nghị đối với cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề này. 

Đọc thêm