Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng cần có điều kiện gì?

(PLO) - Để đảm bảo Nhà nước cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý (TGPL) có chất lượng, Luật TGPL năm 2017 đã bỏ quy định LS thực hiện TGPL với tư cách là cộng tác viên, thay vào đó là LS trực tiếp ký hợp đồng theo pháp luật về dân sự với Trung tâm TGPL nhà nước theo cơ chế tuyển chọn. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Căn cứ vào nhu cầu TGPL, nguồn lực thực hiện TGPL tại địa phương lựa chọn, Trung tâm TGPL nhà nước ký kết hợp đồng thực hiện TGPL với LS khi có đủ điều kiện: (1) Không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề LS; (2) Không bị cấm hành nghề hoặc bị hạn chế hoạt động nghề nghiệp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;(3) Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; (4) Được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức hành nghề LS nơi LS đang làm việc hoặc cơ quan, tổ chức mà LS ký kết hợp đồng lao động (Điều 14).

Theo Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ Tư pháp Quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL…, Trung tâm TGPL nhà nước đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu TGPL của Trung tâm dựa trên kết quả thực hiện vụ việc TGPL của năm trước, số lượng trợ giúp viên pháp lý, số lượng LS đã ký hợp đồng, số lượng vụ án được xét xử của năm trước, tổng số người được TGPL, biến động của dân số địa phương và các nội dung khác có tác động tới công tác TGPL tại địa phương để dự kiến số lượng LS ký hợp đồng thực hiện TGPL (Điều 3).

Cũng theo Thông tư này, Giám đốc Trung tâm quyết định thành lập Tổ đánh giá hồ sơ lựa chọn LS gồm từ 03 đến 05 thành viên là những người có kiến thức pháp luật, am hiểu hoạt động TGPL, trong đó có đại diện của Đoàn LS địa phương. Tổ trưởng Tổ đánh giá LS là lãnh đạo Trung tâm.

Tổ đánh giá LS có trách nhiệm: (1) Xây dựng cách thức, tiêu chí đánh giá, thang bảng điểm hồ sơ lựa chọn LS trình Giám đốc Trung tâm quyết định; (2) Xây dựng thông báo lựa chọn LS; (3) Đánh giá hồ sơ lựa chọn LS và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, kết quả lựa chọn.

Thành viên Tổ đánh giá LS có trách nhiệm: (1) Đánh giá và chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả đánh giá của mình; (2) Độc lập, khách quan, trung thực, giữ bí mật các thông tin liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ; (3) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổ trưởng phân công (Điều 4).

Hồ sơ lựa chọn LS gồm: (1) Giấy đề nghị tham gia lựa chọn ký hợp đồng thực hiện TGPL có xác nhận của tổ chức hành nghề LS nơi LS đang làm việc hoặc cơ quan, tổ chức mà LS ký hợp đồng lao động đồng ý cho LS tham gia ký hợp đồng thực hiện TGPL; (2) Bản sao thẻ LS; (3) Bản giới thiệu về quá trình hành nghề của LS, vụ việc tham gia tố tụng, kinh nghiệm tham gia TGPL; (4) Các tài liệu khác theo thông báo lựa chọn LS (nếu có). LS chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đã cung cấp (Điều 6).

Việc đánh giá được tiến hành qua 02 bước, Bước 1: Đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ. Sử dụng tiêu chí đạt hoặc không đạt để đánh giá. Bước 2: Đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu TGPL. Sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 để đánh giá, trong đó quy định mức điểm tối thiểu và mức điểm tối đa đối với từng tiêu chí. Điểm cuối cùng là điểm trung bình cộng của các thành viên Tổ đánh giá LS và được xếp thứ tự từ cao xuống thấp. Trường hợp có từ 02 LS trở lên có cùng số điểm thì Tổ trưởng Tổ đánh giá LS quyết định (Điều 7).

Kết thúc quá trình đánh giá, Tổ trưởng Tổ đánh giá LS có trách nhiệm tổng hợp kết quả đánh giá của các thành viên và xếp thứ tự từ cao xuống thấp theo số điểm đạt được. Trung tâm có trách nhiệm thông báo kết quả lựa chọn đến các LS đã nộp hồ sơ. LS phải có số điểm đánh giá cuối cùng từ 50 điểm trở lên và được lựa chọn theo thứ tự từ cao xuống thấp đến đủ số lượng dự kiến lựa chọn. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thông báo, LS được lựa chọn có trách nhiệm ký hợp đồng với Trung tâm. Quá thời hạn trên mà LS được lựa chọn không ký hợp đồng thì Trung tâm thông báo để ký hợp đồng với LS có số điểm cao kế tiếp sau (nếu còn). 

Đọc thêm