Mở rộng đối tượng ghi chú nuôi con nuôi để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ

(PLO) -Sau hơn 6 năm thực hiện, Nghị định số 19/2011/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định, có một số quy định thiếu thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và Công ước La Hay. Do vậy, cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định này để đảm bảo phù hợp với bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Công ước La Hay và Luật Nuôi con nuôi đã quy định rõ nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi là chỉ cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình trong nước. Tuy nhiên, một số quy định của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP gây cản trở công tác nuôi con nuôi trong nước như quy định liên quan tới việc trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo được nhận đích danh làm con nuôi; quy định về lập danh sách trẻ em, về chỉ định cơ sở nuôi dưỡng cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài…Từ đó, dẫn đến nguyên tắc trên không được tuân thủ nghiêm túc. Ngoài ra, còn có một số quy định của Nghị định còn thiếu thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và Công ước La Hay. 

Do vậy, Nghị định số 19/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định theo hướng đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và Công ước La Hay. 

Một nội dung khác của Dự thảo Nghị định cũng nhận được nhiều sự quan tâm là vấn đề ghi chú việc nuôi con nuôi đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của  nước ngoài được quy định tại Điều 30 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP.

Theo đó, việc công dân Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam hoặc trẻ em nước ngoài làm con nuôi đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, được công nhận tại Việt Nam và ghi chú vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi, trừ trường hợp vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật Nuôi con nuôi. Việc ghi chú được thực hiện tại Sở Tư pháp, nơi cha mẹ nuôi và con nuôi thường trú.

Một số ý kiến cho rằng vẫn nên giữ nguyên đối tượng ghi chú theo quy định hiện hành, chỉ sửa đổi thẩm quyền ghi chú để đảm bảo phù hợp với pháp luật về hộ tịch. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng không nên giới hạn về đối tượng ghi chú nếu việc giải quyết nuôi con nuôi được thực hiện ở nước ngoài phù hợp với pháp luật nước ngoài, không trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Bộ Tư pháp thấy rằng thực tiễn công tác ghi chú trong thời gian qua cho thấy quy định về đối tượng ghi chú chỉ áp dụng đối với người nhận con nuôi là công dân Việt Nam thường trú trong nước như Điều 30 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP là chưa phù hợp vì thực tế phát sinh nhiều trường hợp công dân nước ngoài hoặc công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

Những trường hợp này được giải quyết phù hợp với pháp luật của nước ngoài nhằm mục đích đoàn tụ gia đình hoặc nhằm đảm bảo trẻ em Việt Nam có điều kiện sống tốt hơn, không vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, không vi phạm điều cấm của Luật Nuôi con nuôi. Do đó, Bộ Tư pháp đề xuất mở rộng đối tượng ghi chú, theo đó sẽ thực hiện đối với việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài như trong dự thảo Nghị định. 

Đọc thêm