Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2020

(PLVN) - Khi nghỉ việc không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc nữa, thì người lao động có được tham gia BHXH tự nguyện không? Mức đóng như thế nào? Giải đáp của BHXH tỉnh Đắk Lắk trong tình huống dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những quy định về việc tham gia BHXH tự nguyện.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Bạn đọc Nguyễn Thị Lan (Đắk Lắk) hỏi: Xin cho tôi hỏi khi nghỉ việc tôi muốn tự đóng tiếp BHXH tự nguyện thì tôi đóng như thế nào? mức đóng là bao nhiêu? Và thủ tục như thế nào?

Về trường hợp này, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, khi bạn đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc nay đã nghỉ việc, nếu bạn có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện (tự đóng) thì người lao động cần chú ý những quy định sau:

Về đối tượng tham gia BHXH tự nguyện: Theo quy định của Luật BHXH, người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trường hợp của bạn đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc nay đã nghỉ việc thì thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Về mức đóng BHXH tự nguyện: Mức đóng của người tham gia BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.

Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn  theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (thời điểm hiện tại là 700.000 đồng/tháng; theo Quyết  định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về  việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2016-2020) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Cụ thể:

+ Mức thấp nhất: 700.000 đồng x 22% = 154.000 đồng/1 tháng

Mức cao nhất bằng 20 lần lương cơ sở tại thời điểm đóng (hiện nay mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng x 20 tháng = 29.800.000 đồng)

+ Mức cao nhất: 29.800.000 đồng x 22% = 6.556.000 đồng/1 tháng.

Như vậy tùy điều kiện bạn có thể chọn mức thu nhập tháng sao cho phù hợp, ví dụ như: 1.000.000 đồng, 1.050.000 đồng, 4.500.000 đồng…

Còn về phương thức và thời điểm đóng

Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng :

a. Đóng hằng tháng, thời điểm đóng trong tháng;

b. Đóng 03 tháng một lần, thời điểm đóng trong 03 tháng;

c. Đóng 06 tháng một lần, thời điểm đóng trong 04 tháng đầu;

d. Đóng 12 tháng một lần, thời điểm đóng trong 07 tháng đầu;

đ. Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;    

Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.

Đáng chú ý, hiện nay khi tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể:

a) Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo (46.200 đ/tháng);

b) Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo (38.500 đ/tháng);

c) Bằng 10% đối với các đối tượng khác (15.400 đ/tháng).

Theo đó, thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng). Việc hỗ trợ tiền đóng BHXH của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện được thực hiện từ ngày 01/01/2018.

Ví dụ: Bạn chọn mức thu nhập hàng tháng để đóng BHXH tự nguyện là 1.550.000 đ/tháng, bạn thuộc đối tượng hộ cận nghèo thì mức đóng hàng tháng sẽ là: 1.550.000 đồng x 22% = 341.000 đồng - 38.500 đồng (mức hỗ trợ hộ cận nghèo) = 302.500 đồng.

Bạn có thể liên hệ với Đại lý thu tại xã, phường, thị trấn hoặc qua hệ thống Bưu điện hoặc cơ quan BHXH nơi bạn đang cư trú (danh sách cụ thể trên Website của ngành BHXH) để được tư vấn, hướng dẫn kê khai, nộp hồ sơ và đóng tiền với thủ tục đơn giản, nhanh, gọn để bạn được tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian sớm nhất./.

Đọc thêm