“Nắm đấm thép” với thuốc lá nhập lậu

(PLO) - Mặc dù các lực lượng chức năng quyết liệt xử lý nhưng vì lợi nhuận khổng lồ, các đối tượng buôn lậu bằng nhiều thủ đoạn vẫn tìm mọi cách đưa thuốc lá nhập lậu vào tiêu thụ sâu trong thị trường nội địa đặc biệt là từ thời điểm này tới dịp tết Nguyên đán.
“Nắm đấm thép” với thuốc lá nhập lậu

“Thời điểm vàng” cho buôn lậu thuốc lá

Theo lực lượng chức năng, thời gian qua lợi dụng sự thiếu nhất quán trong các văn bản pháp lý trong việc xét xử tội buôn lậu thuốc lá nên các đối tượng buôn lậu thuốc lá có chiều hướng lộng hành, vận chuyển với số lượng lớn. Nếu như trước đây, các đối tượng chủ yếu vận chuyển bằng xe gắn máy, xe khách, xuồng máy… thì nay, các đối tượng đã bất chấp pháp luật, vận chuyển thuốc lá lậu với số lượng lớn bằng xe ô tô riêng phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn cho người tham gia giao thông.

Tang vật của một vụ bắt giữ thuốc lá lậu
Tang vật của một vụ bắt giữ thuốc lá lậu

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tình hình số vụ buôn lậu thuốc lá mà các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ thời gian qua chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với thực trạng hiện nay. Trong 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng trên cả nước đã bắt giữ và tiêu hủy 3.195.150 bao thuốc lá nhập lậu các loại, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.

Một số ý kiến cho rằng, từ nay tới cuối năm là “thời điểm vàng” cho buôn lậu thuốc lá, bởi hiện nay các văn bản pháp lý xử lý thuốc lá nhập lậu có tính răn đe đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Cụ thể, Bộ luật Hình sự sửa đổi điều 190, 191 theo hướng thuốc lá lậu là hàng cấm, truy cứu trách nhiệm hình sự và phát tù tới 15 năm có hiệu lực từ 1/8/2018; Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Công văn 154/TANDTC-PC về hướng dẫn xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa.

Theo đó, từ ngày 01/7/2015 đến ngày 01/01/2018, không xác định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm và không xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10.

Nhiều ý kiến lo ngại, trong khoảng thời gian từ nay tới cuối năm 2017 lợi dụng kẽ hở của một số văn bản pháp lý có thể sẽ tạo cơ hội để các đối tượng buôn lậu thuốc lá tăng cường hoạt động...

Chung tay xử lý thuốc lá lậu

Theo dự báo của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, từ nay đến cuối năm 2017, hoạt động buôn lậu thuốc lá sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và công tác chống buôn lậu sẽ ngày càng khó khăn hơn. Hiệp hội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, Ngành trung ương và địa phương tăng cường triển khai các biện pháp quyết liệt chống buôn lậu và hỗ trợ nhân lực, phương tiện cho các lực lượng chức năng, các địa phương đủ mạnh để kịp thời đối phó với nạn buôn lậu thuốc lá điếu hiện nay.

“Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho việc đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá nhằm tăng cường nguồn thu cho ngân sách quốc gia, bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hợp pháp trong nước”, ông Vũ Văn Cường (Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam) kiến nghị.

Trước kiến nghị của Hiệp hội thuốc lá, ngày 18/8 Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 8771/VPCP-V.I yêu cầu Bộ Tài Chính (Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo 389 quốc gia) chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương tăng cường đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là tình trạng buôn lậu thuốc lá thời gian qua

Tăng cường công tác chống buôn lậu từ nay tới cuối năm, Bộ Công Thương cũng đã hành Chỉ thị số 7127 về tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá điếu, mặt hàng đường nhập lậu. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn lập chốt kiểm tra lưu động tại các tuyến đường thường xuyên có hoạt động vận chuyển thuốc lá điếu, mặt hàng đường nhập lậu; kiểm tra các phương tiện vận tải đường bộ và đường sông nhằm ngăn chặn việc vận chuyển thuốc lá điếu, mặt hàng đường nhập lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương các tỉnh Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, các tỉnh biên giới phía bắc và các tỉnh lân cận chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các lực lượng Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng kiểm soát chặt chẽ các khu vực giáp biên giới, các tuyến đường từ biên giới vào nội địa, các địa bàn giáp ranh liên huyện, liên tỉnh.

Đọc thêm