Nếu gian lận lan rộng, có hủy cả kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia?

(PLO) - Theo quy định tại Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã quy định cụ thể các trường hợp xử lý cán bộ tham gia tổ chức thi và cá nhân liên quan khác vi phạm quy chế thi và xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi. Tuy nhiên, trường hợp vi phạm đến mức độ nào thì phải huỷ bỏ kỳ thi THPT quốc gia lại chưa được lường tới. 
Bộ GD&ĐT từng khẳng định, "công tác bảo mật các túi thi được đặc biệt chú trọng. Bài thi trắc nghiệm sẽ chấm bằng máy, đảm bảo khoa học, khách quan". Nhưng thực tế cho thấy quy trình chấm thi đã có "lỗ hổng" nghiêm trọng.
Bộ GD&ĐT từng khẳng định, "công tác bảo mật các túi thi được đặc biệt chú trọng. Bài thi trắc nghiệm sẽ chấm bằng máy, đảm bảo khoa học, khách quan". Nhưng thực tế cho thấy quy trình chấm thi đã có "lỗ hổng" nghiêm trọng.

Quy trình tổ chức chấm thi có lỗ hổng

Trước tình trạng bất thường trong kết quả thi THPT quốc gia ở một số địa phương đang được Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan chức năng làm rõ, ông Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin của Bộ GD&ĐT - cho rằng, nếu còn tình trạng các địa phương tự chấm thi thì vẫn còn tiêu cực và rõ ràng quy trình tổ chức chấm thi có lỗ hổng.

Khâu cán bộ rất quan trọng, đứng ở vị trí lãnh đạo, tin cấp dưới là một chuyện, nhưng vẫn phải có sự giám sát chặt chẽ. Việc tổ chức thi tại địa phương có rất nhiều vấn đề, các mối quan hệ cá nhân ở địa phương như họ hàng thân thích, bạn bè nhờ vả là không thể tránh khỏi.

Phân tích thêm về lỗ hổng trong chấm thi trắc nghiệm dẫn tới có thể sửa điểm của một thí sinh từ 1 thành 9 điểm như ở Hà Giang, ông Ngọc cho biết, tờ Phiếu trả lời trắc nghiệm hoàn toàn không có phách. Nên bất kỳ ai cũng có thể biết Phiếu trả lời này là của thí sinh nào.

“Đây là lỗ hổng tôi đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần khi còn công tác. Quy trình chấm thi này thích hợp hơn cho các trường đại học tổ chức thi, vì họ không liên quan đến con cháu ai, hoặc nếu có thì cũng rất hy hữu. Còn tại địa phương, có thể khẳng định quy trình này chưa phù hợp, nhất là khâu chấm, kiểm dò”, ông Ngọc nói.

Cùng phân tích về những bất cập trong kỳ thi “2 trong 1”, theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng phòng Đào tạo Đại học Thủy lợi, việc giao hẳn cho tỉnh tổ chức kỳ thi này rõ ràng đã bộc lộ hạn chế. Do đó, cần chuyển khâu chấm thi cho đại học, hoặc Bộ GD&ĐT trực tiếp làm.

Về lâu dài, Bộ nên giao việc xét tốt nghiệp THPT cho địa phương, xét tuyển đại học cho các trường. Tuy nhiên, cần có cách làm khác trước đây vì nếu mỗi đại học tổ chức một kỳ thi riêng sẽ vất vả cho thí sinh, phụ huynh khi phải dự thi nhiều lần, tốn kém chi phí, thời gian đi lại, ăn ở.

ĐBQH Lê Thanh Vân
ĐBQH Lê Thanh Vân

Còn TS Lê Văn Út - Trưởng phòng Quản lý phát triển khoa học công nghệ, Đại học Tôn Đức Thắng, TP HCM có quan điểm, Bộ GD&ĐT nên xem lại độ khách quan, công bằng của kỳ thi THPT quốc gia nếu giao toàn bộ cho địa phương chủ trì như hai năm qua.

“Về lâu dài, Bộ cần xem xét việc nên hay không duy trì kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” như hiện nay. Nếu không khả thi và hiệu quả nữa, hãy để các trường đại học tự chủ tuyển sinh và tự chịu trách nhiệm về chất lượng đầu ra”, ông Út đề xuất.

Liệu có dám “phanh phui” sự thật?

Vấn đề nằm ở chỗ, nghi ngờ của dư luận không chỉ dừng lại ở Hà Giang, mà sự chú ý đang được chuyển sang nhiều tỉnh, thành khác. Sau gian lận ở Hà Giang, nhiều địa phương khác bị nghi vấn có điểm thi cao bất thường. Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bạc Liêu, Hậu Giang… đều được cho là có những vấn đề về điểm thi. Một câu hỏi được đặt ra là, nếu sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia  năm nay bị phát hiện trên diện rộng, liệu Bộ GD&ĐT có căn cứ nào để huỷ kết quả kỳ thi năm nay không? 

Theo phân tích của các chuyên gia, khả năng huỷ kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018 là khó diễn ra do Bộ GD&ĐT cũng còn lúng túng trong cách xử lý sai phạm. Chỉ cần chậm công nhận kết quả thi THPT đã có thể gây ra nhiều hệ luỵ đối với “cả chuyến tàu”. Thêm vào đó, Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT chưa có dòng nào đề cập đến trường hợp vi phạm đến mức phải huỷ kết quả kỳ thi THPT quốc gia. 

ĐBQH Dương Trung Quốc
ĐBQH Dương Trung Quốc

Tuy nhiên, nếu Bộ GD&ĐT không đủ quyết tâm để làm “đến nơi đến chốn” những vi phạm trong kỳ thi lần này, niềm tin của nhân dân đối với kỳ thi quan trọng, có khả năng quyết định tới tương lai của con em họ coi như đã “đổ xuống sông, xuống biển” !!!

ĐBQH Lê Thanh Vân: Cần xem lại triết lý giáo dục của nước ta

Hiện vẫn có những vị lãnh đạo “nhúng chàm” nhiều lần nhưng chưa bị cơ quan chức năng phát hiện, phanh phui. Nhưng chính những con người không có liêm sỉ đó, hàng ngày vẫn ra rả rao giảng đạo đức cho mọi người, mặc dù cấp dưới đã biết rõ bản chất con người đó. Hay như, ngày lễ Tết, nhân viên không mang quà đến biếu lãnh đạo dẫn tới việc không xem xét những người có năng lực, trình độ.

Vì vậy, không nên đổ cho giáo dục mà là hệ quả của nhiều tác nhân nhưng đối với giáo dục phải xem lại triết lý giáo dục của nước ta. Triết lý giáo dục là nền tảng tạo ra nhận thức. Đất nước ta có triết lý giáo dục đúng thì sẽ có phương hướng, đường lối đúng.

ĐBQH Dương Trung Quốc: Thực học và thực nghiệp

Từ thời Duy Tân, các cụ khi nhìn thấy sự lỗi thời của giáo dục cũng đã đưa ra triết lý rất đúng và hợp thời, đó là “Thực học và thực nghiệp”. Học thiết thực cho xã hội, học thiết thực cho người học. Hiện nay, chúng ta đang rơi vào tình trạng học để lấy điểm, lấy bằng mà không ứng dụng được gì cho xã hội. Cho nên từ vấn đề triết lý chúng ta phải xây dựng một hệ thống giá trị đáp ứng nhu cầu cần thiết.

Chúng ta nói rất nhiều đến cuộc Cách mạng 4.0 nhưng chúng ta đang bị đi vào nhiều vấn đề mang danh như tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư, trong khi đó thời đại mới mở ra biết bao cơ hội mà chúng ta không biết tập hợp, tích hợp lại để tạo ra những hành lang, mô hình đem lại cơ hội cho sự phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, cạnh tranh, hội nhập rất sâu, rộng nếu ta không làm tốt giáo dục để nguồn nhân lực không có trình độ thì nghèo hèn sẽ đi cùng trong suốt cả cuộc sống của cá nhân cũng như của đất nước.

Đọc thêm