Ngoài công đoàn, người lao động sẽ có “nghiệp đoàn”?

(PLO) - Một trong những nội dung sửa đổi chính, quan trọng nhất của Dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi là việc bổ sung các quy định về quyền của người lao động (NLĐ) trong việc thành lập tổ chức đại diện tại doanh nghiệp (DN) nằm ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, gọi là “nghiệp đoàn”.
Ảnh minh họa: Trần Việt
Ảnh minh họa: Trần Việt

Công đoàn và nghiệp đoàn bình đẳng trong bảo vệ quyền lợi của NLĐ 

Trong quá trình soạn thảo BLLĐ sửa đổi, có hai loại ý kiến về quyền của NLĐ trong việc thành lập tổ chức đại diện trong DN nằm ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, BLLĐ sửa đổi lần này cần bổ sung các quy định về quyền của NLĐ trong việc thành lập tổ chức đại diện tại DN nằm ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Nội dung này thực chất là nội dung sửa đổi chính, quan trọng nhất của việc sửa đổi, bổ sung BLLĐ lần này.

Trong khi đó, luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng, cần cân nhắc thêm và chưa nên quy định về vấn đề này tại thời điểm này.

Tuy nhiên, tại bản Dự thảo 2 đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, BLLĐ vẫn quy định về quyền thành lập tổ chức đại diện của NLĐ. Cụ thể, Điều 149 về tổ chức đại diện của NLĐ tại DN, nêu: “1. Tổ chức đại diện của NLĐ tại DN là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của NLĐ tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ, thúc đẩy quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật lao động. 2. Tổ chức đại diện của NLĐ tại DN bao gồm công đoàn cơ sở được thành lập theo quy định của Luật Công đoàn; và tổ chức khác của NLĐ (sau đây gọi là nghiệp đoàn) được thành lập theo quy định của Bộ luật này. Công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong quan hệ lao động.”

Nghiệp đoàn không phải là tổ chức chính trị - xã hội

Lý do và yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung quy định về thành lập nghiệp đoàn là BLLĐ phải thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 06-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành TƯ Đảng Khóa XII, cụ thể là phải: “Ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước để đổi mới, tăng cường quản lý có hiệu quả sự ra đời và hoạt động của tổ chức của NLĐ tại DN nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, tạo điều kiện cho DN kinh doanh ổn định, thành công. Bảo đảm sự ra đời, hoạt động của tổ chức của NLĐ tại DN phù hợp với quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, kiện toàn các công cụ, biện pháp quản lý nhằm tạo điều kiện để tổ chức này hoạt động thuận lợi, lành mạnh theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội”.

Thêm nữa, việc sửa đổi phải bảo đảm phù hợp với Hiến Pháp 2013, theo đó, tổ chức đại diện của NLĐ không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không có vị thế và chức năng chính trị-xã hội mà chỉ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong phạm vi quan hệ lao động.

Thực ra, việc quy định về đại diện của NLĐ không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam không phải là nội dung mới ở nước ta. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLLĐ năm 2006 đã quy định cho phép đại diện được tập thể NLĐ cử có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công (Điều 172a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLLĐ năm 2006). Tuy nhiên, BLLĐ 2012 lại chỉ quy định tổ chức đại diện tập thể lao động tại DN là công đoàn cơ sở và ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên cơ sở là đại diện.

Đây là vấn đề mới, chưa dự kiến được những phát sinh trong thực tiễn khi áp dụng nên quá trình soạn thảo còn có nhiều ý kiến. Hiện, Dự thảo BLLĐ sửa đổi đang được thể hiện theo hướng quy định mang tính nguyên tắc những nội dung về quyền thành lập, đăng ký và phạm vi hoạt động của tổ chức đại diện NLĐ tại Chương XII (từ Điều 149 đến Điều 157); các nội dung cụ thể khác sẽ được quy định trong văn bản dưới luật để đảm bảo sự linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu quản lý nhà nước. 

Đọc thêm