Người dân có thêm nhiều cơ hội lựa chọn Thừa phát lại

(PLO) - Sau thời gian thực hiện thí điểm, chế định Thừa phát lại đã triển khai đến nhiều địa phương trong cả nước. Văn phòng thừa phát lại tiếp tục được thành lập ở nhiều nơi, mang lại nhiều tiện ích cho người dân khi có yêu cầu.
Khai trương Văn phòng Thừa phát lại Bến Cát, Bình Dương.
Khai trương Văn phòng Thừa phát lại Bến Cát, Bình Dương.

Bộ Tư pháp cho biết, đến hết năm 2017  đã phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng (VP) Thừa phát lại giai đoạn 2017-2018 của 14 địa phương, nâng tổng số các tỉnh thực hiện triển khai chế định Thừa phát lại lên 22 tỉnh, thành phố (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bình Thuận, Đà Nẵng, Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Phước, Cà Mau, Kiên Giang, Khánh Hoà, Hải Dương, Gia Lai, Phú Yên, An Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Đắk Lắk). Năm 2017, Bộ Tư pháp bổ nhiệm 95 lượt Thừa phát lại.

Sau 5 năm thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số địa phương (từ năm 2010 đến năm 2015), Thừa phát lại đã bước đầu được người dân đón nhận tích cực. Ngày 26/11/2015, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 107/2015/QH13 về việc thực hiện chế định Thừa phát lại, chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. Thực tế triển khai cho thấy, hoạt động Thừa phát lại đã giúp giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án dân sự; tạo thêm công cụ pháp lý tích cực để người dân tự bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại.

Đến nay, nhiều địa phương trong cả nước đã có mạng lưới VP Thừa phát lại rộng khắp, đáp ứng nhu cầu của người dân ở các vùng miền khác nhau. Đến cuối năm 2017 TP Hồ Chí Minh có 11 VP, Hà Nội có 8 VP, Bình Dương 5 VP... Theo đề án thì con số này sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới. 

Xuất phát từ nhu cầu của người dân, cuối năm 2017, UBND tỉnh Bình Dương đã có Quyết định cho phép thành lập VP Thừa phát lại Bến Cát. Tháng 3/2018, VP này đã khai trương, đi vào hoạt động chính thức trở thành VP Thừa phát lại thứ 5 trên địa bàn tỉnh Bình Dương và là VP đầu tiên của tỉnh được thành lập theo Nghị Quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội. 

Trước đó, vào cuối năm 2017, VP Thừa phát lại Cần Thơ (địa chỉ số 27, lô A, đường số 4, KDC Nam Long, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) cũng đã khai trương hoạt động. 

Tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) mới đây cũng đã khai trương VP Thừa phát lại có trụ sở tại đường 2-4, phường Vĩnh Thọ, thực hiện các chức năng như tống đạt các văn bản, giấy tờ của công dân, tổ chức doanh nghiệp; lập vi bằng - xác lập bằng chứng, chứng cứ pháp lý bảo vệ lợi ích công dân, tổ chức doanh nghiệp; xác minh điều kiện thi hành án; tổ chức thi hành án các bản án, các quyết định của Tòa án theo yêu cầu. 

Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Quyết định cho phép thành lập VP Thừa phát lại Cam Ranh, được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, trụ sở đặt tại Tổ dân phố Phú Trung, phường Cam Lợi (TP Cam Ranh). Đây là VP Thừa phát lại thứ hai được thành lập tại tỉnh Khánh Hòa.  

Còn tại Bình Phước, theo đề án thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh thì giai đoạn 2017 đến hết năm 2018, đại phương này thành lập 3 VP thừa phát lại tại 3 thị xã Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long; từ năm 2019 trở về sau thực hiện theo quyết định phê duyệt quy hoạch của Bộ Tư pháp khi có nghị định mới về Thừa phát lại của Chính phủ. Việc phê duyệt đề án nói trên nhằm từng bước thực hiện xã hội hóa các hoạt động có liên quan đến việc tống đạt, thi hành án dân sự trong quá trình giải quyết vụ án dân sự theo đúng tinh thần, chủ trương cải cách hành chính nói chung và cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh nói riêng. Phát triển các tổ chức hành nghề thừa phát lại nhằm mang đến lợi ích tốt nhất cho xã hội; giảm tải áp lực về công việc, kinh phí, biên chế cho các cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan tòa án tại địa phương. Đồng thời đáp ứng kịp thời nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 

Với những tiện ích mà Thừa phát lại mang lại, hy vọng chế định này sẽ tiếp tục phát triển ngày càng mạnh mẽ và vươn tới nhiều địa bàn, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Đọc thêm