Người dân được đóng BHXH tự nguyện và gia hạn thẻ BHYT trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia

(PLVN) - Từ ngày 1/7, người dân có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và gia hạn thẻ bảo hiểm y tế qua Cổng dịch vụ công Quốc gia https://dichvucong.gov.vn.

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức họp báo công bố các dịch vụ công (DVC) mới được đưa lên Cổng DVC Quốc gia.

 

Theo đó, 6 DVC được công bố trên Cổng DVC Quốc gia từ ngày 1/7, gồm: Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; cấp mới, đổi giấy phép lái xe mức độ 4; nộp tiền xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Thanh tra Giao thông; nộp tiền xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của Cảnh sát giao thông; đóng tiếp BHXH tự nguyện và gia hạn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình.

Điểm chung của 6 DVC được đưa lên Cổng DVC Quốc gia lần này đều chú trọng đến vấn đề thanh toán điện tử. Trong đó, DVC số 725 - dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính là dịch vụ quan trọng, có vai trò thúc đẩy số hóa, với giá trị sử dụng của bản sao điện tử đã được chứng thực có giá trị thay cho bản chính, có thể đưa hầu hết các thủ tục hành chính thực hiện hoàn toàn trực tuyến trên môi trường điện tử (DVC trực tuyến mức độ 4); cũng như tạo điều kiện để thực hiện các giao dịch số trong lĩnh vực dân sự, kinh tế.

Bên cạnh đó, các DVC khác được công bố hôm nay cũng hướng tới việc phục vụ tốt hơn nhu cầu của hàng triệu người dân, doanh nghiệp như: Phục vụ việc gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình của hơn 17 triệu đối tượng; phục vụ hơn 614.000 đối tượng đóng BHXH tự nguyện và hơn 38 triệu đối tượng tiềm năng là các lao động chưa tham gia phương thức đóng BHXH nào. 

Cụ thể, dịch vụ đóng tiếp BHXH tự nguyện cho phép người dân nộp trực tuyến số tiền đóng BHXH tự nguyện của mình (hoặc người thân). Dịch vụ này giúp cắt giảm thời gian, chi phí đi lại, khuyến khích người dân tham gia, để tiến tới mục tiêu BHXH toàn dân. 

Với trên 614.000 người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay, nếu thực hiện đóng BHXH trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm hơn 209,5 tỷ đồng/năm. Đáng chú ý, cả nước hiện có khoảng 55 triệu người trong độ tuổi lao động, trong khi mới chỉ có gần 16,6 triệu người tham gia BHXH (cả bắt buộc và tự nguyện).

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 4 năm nay, số người tham gia BHXH tự nguyện là 557 nghìn người. Cùng với đó, có gần 85,2 triệu người tham gia BHYT.

Con số phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng dần trong thời gian qua. Từ năm 2018, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng lên 277.000 người. Đến năm 2019, con số này cán mốc gần 574.000 người. Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 ghi nhận sự phát triển vượt bậc khi đạt bằng tổng số tham gia BHXH tự nguyện phát triển trong 11 năm về trước cộng lại.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cho biết, cơ quan này đang phải triển khai hơn 12.400 đại lý thu BHXH, BHYT với hơn 37.300 điểm thu và hơn 52.200 nhân viên đại lý thu nhằm phục vụ người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.

Cùng với dịch vụ đóng BHXH tự nguyện, dịch vụ gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình trên Cổng DVC Quốc gia sẽ cho phép người dân đóng tiền trực tuyến để gia hạn thẻ BHYT của mình hoặc người thân, giúp cắt giảm thời gian, chi phí đi lại. Nếu chỉ 50% số người trong tổng số hơn 17 triệu người tham gia BHYT hộ gia đình thực hiện gia hạn trực tuyến thì số tiền tiết kiệm được hàng năm cũng lên tới hơn 724,6 tỷ đồng/năm.

Trở thành một trong những cơ quan tham gia cung cấp dịch vụ sớm nhất trên Cổng DVC Quốc gia, có thể nói, ngành BHXH đã tạo cho mình ưu thế lớn. Mức độ sẵn sàng cung cấp các dịch vụ công của ngành BHXH được xác lập trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm cũng như thực hiện tốt việc kết nối chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam với các ngành liên quan.

BHXH Việt Nam cho biết, từ nay đến cuối năm 2020, ngành BHXH sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, các phần mềm nghiệp vụ của ngành.

Đồng thời, rà soát xử lý dữ liệu thẻ BHYT cấp trùng; hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số BHXH cho người tham gia; triển khai hiệu quả hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan BHXH và trên trục liên thông của Chính phủ. 

Trước đó, ngành BHXH đã thực hiện nâng cấp Hệ thống giao dịch điện tử BHXH tích hợp với Cổng DVC Quốc gia để thực hiện liên thông cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất. Với dịch vụ công này, người dân chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh (smartphone) kết nối Internet là có thể thực hiện cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất mà không cần phải ra khỏi nhà. Sau hơn 6 tháng thực hiện, đã có 690 hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết từ Cổng DVC Quốc gia.

Đọc thêm