Người lao động không đóng BHXH bắt buộc có được không?

(PLO) -Chị Nguyễn Kim Anh, TP Ninh Bình hỏi: Tôi năm nay 47 tuổi và đang làm việc tại một công ty điện tử theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Năm 1996 khi vào công ty làm đến nay tôi đã đóng bảo xã hội (BHXH) đầy đủ và liên tục . Bây giờ tôi muốn đề nghị được tiếp tục làm việc tại công ty nhưng ngừng đóng BHXH và hưởng BHXH một lần được không?

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Vì thế việc đóng BHXH không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động.

Hiện nay theo Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn Luật trên thì đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.

Căn cứ quy định trên, chị Kim Anh đang làm việc tại công ty điện tử theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn - thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Nên để tiếp tục làm việc tại công ty thì chị bắt buộc phải đóng BHXH theo quy định.

Chị chỉ được hưởng BHXH một lần khi:

“- Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

- Ra nước ngoài để định cư;

-  Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

-  Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.”

Đọc thêm