Người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn án phí hình sự không?

(PLVN) - Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định: Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo;…được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí (Điều 12). Cũng tại Nghị quyết này (Điều 23) quy định người bị kết án phải chịu án phí hình sự sơ thẩm, án phí hình sự phúc thẩm nếu kháng cáo không được chấp nhận. Vậy, người bị kết án thuộc trường hợp hộ nghèo, cận nghèo được miễn hay phải chịu án phí hình sự? 
Người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn án phí hình sự không?

Bị cáo Trịnh Quốc T (17 tuổi thuộc hộ cận nghèo) và Hồ Bảo K (12 tuổi) trộm cắp tài sản trị giá 315.280.000đ của chị L và chị N, mục đích lấy tiền để chơi ma túy đá, trả nợ chơi game…T bị truy tố theo khoản 3 Điều 173 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 07 đến 15 năm tù. Trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra đã thu giữ trả lại gần ¾ tài sản cho người bị hại, còn lại 81.400.000đ đến nay vẫn chưa được khắc phục. 

Vậy, T có phải chịu án phí hình sự, dân sự phần bồi thường khắc phục hậu quả 81.400.000đ? Cha mẹ K có phải chịu án phí dân sự phần liên đới bồi thường khắc phục hậu quả 81.400.000đ cùng với T? 

Án phí là khoản chi phí để xét xử một vụ án mà đương sự phải nộp khi Tòa án đã giải quyết vụ án bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật. Đây là số tiền thu theo quy định của pháp luật trong mỗi vụ án mà Tòa án giải quyết để nộp vào ngân sách nhà nước nhằm bù đắp lại chi phí của Nhà nước. 

Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) quy định: “Án phí do người bị kết án hoặc Nhà nước chịu theo quy định của pháp luật. Người bị kết án phải trả án phí theo quyết định của Tòa án. Mức án phí và căn cứ áp dụng được ghi rõ trong bản án, quyết định của Tòa án” (khoản 2 Điều 136). Như vậy, khoản án phí này được hiểu là người bị kết án có thể phải chịu hoặc Nhà nước chịu thay cho người bị kết án trong một số trường hợp, mà cụ thể sẽ được quy định ở những văn bản pháp luật khác. 

Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định: “Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” (điểm đ khoản 1 Điều 12) thuộc trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án. 

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 23 Nghị quyết lại quy định người bị kết án phải chịu án phí hình sự sơ thẩm; bị cáo kháng cáo quyết định về hình sự của bản án sơ thẩm mà Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định về hình sự của bản án sơ thẩm thì bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Thế nên, đã có nhiều người có cách hiểu khác nhau về hai điều luật này, dẫn đến thẩm phán này thì cho miễn, thẩm phán khác lại không. 

Theo Điều 12 và Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 và Điều 136 BLTTHS cho thấy, không có gì mâu thuẫn với nhau trong hệ thống pháp luật, cũng không có mâu thuẫn trong cùng một văn bản, cụ thể như sau:  

Thứ nhất, quy định tại khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết, người bị kết án phải chịu án phí hình sự sơ thẩm, án phí hình sự phúc thẩm nếu kháng cáo không được chấp nhận là thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 136 BLTTHS “Án phí do người bị kết án…chịu theo quy định của pháp luật”. Đây là khoản chi phí để xét xử một vụ án hình sự mà người bị kết án phải nộp. 

Thứ hai, điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết là để điều chỉnh cho một nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, có khó khăn về tài chính hoặc thực hiện chính sách đền ơn, đáp nghĩa, chính sách đối với người dân tộc thiểu số… Khoản án phí đáng lẽ người bị kết án phải nộp, nhưng được miễn theo Nghị quyết này là phần Nhà nước chịu thay cho người bị kết án theo  khoản 1 Điều 136 BLTTHS “…hoặc Nhà nước chịu theo quy định của pháp luật”. 

Thứ ba, Điều 12 của Nghị quyết không loại trừ “Người bị kết án phải chịu án phí” được quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 23 Nghị quyết này nên hiểu “Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo…” là những người được miễn án phí hình sự sơ thẩm, phúc thẩm; dân sự sơ thẩm, phúc thẩm; lệ phí Tòa án giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động…Việc miễn là quyền của nhóm người này, đồng thời là nghĩa vụ của Nhà nước, nhưng để thực hiện được thì họ phải có đơn đề nghị và giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp được miễn. 

Từ những phân tích nêu trên, T có thể được miễn án phí hình sự sơ thẩm, phúc thẩm (nếu có kháng cáo) và án phí dân sự sơ thẩm, phúc thẩm (nếu có kháng cáo) trong vụ án hình sự. 

Để được miễn án phí thì T phải có đơn đề nghị nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm, kèm theo là giấy tờ chứng minh thuộc hộ cận nghèo. Về trường hợp của K (12 tuổi),  tuy không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng cha mẹ K là bị đơn dân sự nên phải liên đới cùng với T bồi thường 81.400.000 đồng cho người bị hại theo quy định tại khoản 2 Điều 586, Điều 587 Bộ luật Dân sự. Phần án phí dân sự sơ thẩm, cha mẹ của K phải nộp án phí cho số tiền bồi thường do Tòa án xác định, vì K không phải là bị đơn trong vụ án này (khoản 9 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14).

Đọc thêm