Người trợ giúp viên pháp lý tâm huyết, yêu nghề

(PLO) -Đánh giá về trợ giúp viên pháp lý (TGV) Phạm Thị Mai Phượng, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Hải Phòng Đào Thị Mai tự hào: “Phượng là người trẻ tuổi có năng lực, nhiệt tình và tâm huyết”. 
Một buổi tư vấn TGPL
Một buổi tư vấn TGPL
Xin được bắt đầu bài viết bằng lá thư cảm ơn của ông Lê Mạnh Thắng, thương binh hạng 4/4, ở số nhà 28A/28 phố Lương Khánh Thiện, phường Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền (Hải Phòng) gửi Sở Tư pháp và Trung tâm TGPL Nhà nước (Sở Tư pháp):
“Tôi là người được TGPL trong vụ án  tranh chấp đòi nhà cho thuê, được Trung tâm TGPL cử người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Quá trình bảo vệ cho tôi, TGV Phạm Thị Mai Phượng và Luật sư Nguyễn Đức Chính đã rất nhiệt tình, bảo vệ giúp tôi thắng kiện, gia đình tôi đòi được lại nhà cho người khác thuê đã hơn 20 năm nay”. 
Bà Đào Thị Mai cho biết, dù đây không phải là lần đầu tiên trung tâm TGPL nhận được thư cảm ơn của đối tượng được trợ giúp, tư vấn nhưng đây vẫn là niềm khích lệ, động viên lãnh đạo, trợ giúp viên, chuyên viên trung tâm TGPL rất nhiều. 
TGV Mai Phượng tâm sự, chị từng tham gia tố tụng nhiều vụ án nhưng có những vụ án khiến chị suy nghĩ nhiều. Như vụ chị và một đồng nghiệp được phân công bào chữa cho anh T. bị Công an huyện Vĩnh Bảo khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích”. Điều đặc biệt là T. có tiền sử bệnh tâm thần, hoàn cảnh nhà T. khá bi đát. 
Trăn trở trước hoàn cảnh của gia đình T. Mai Phượng cùng đồng nghiệp nghiên cứu kỹ hồ sơ, thống nhất quan điểm bào chữa xin cho T. được hưởng án treo để có cơ hội được chữa khỏi bệnh, phụng dưỡng bố mẹ già. 
Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND huyện Vĩnh Bảo chấp nhận quan điểm của TGV, cho T. hưởng án dưới mức khởi điểm của khung hình phạt. Tuy nhiên do tính chất nghiêm trọng của hành vi và do gia đình T. chưa bồi thường cho bị hại nên HĐXX vẫn quyết định xử phạt T. 18 tháng tù giam, buộc bồi thường hơn 12 triệu đồng cho bị hại.
Với mong muốn giúp T. có cơ hội được ở cùng bố mẹ, được chữa bệnh nên sau phiên tòa sơ thẩm, TGV tiếp tục gặp T. và gia đình hướng dẫn làm thủ tục kháng cáo lên TAND thành phố, động viên gia đình vay mượn bồi thường cho bị hại. 
Tại phiên tòa Tòa phúc thẩm đã xử phạt T. 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Đây là niềm vui mừng không chỉ đối với T. mà còn với các TGV luôn theo sát vụ án ngay từ đầu. 
Ở Trung tâm TGPL, Ban Giám đốc còn nhắc đến hành động cảm động của TGV Mai Phượng trong lần bào chữa cho bị cáo Mai Văn Thương quê ở tỉnh Quảng Ngãi liên quan đến vụ án giết người ở đảo Cát Bà (Hải Phòng). 
Gặp gỡ, tiếp xúc được với bị cáo Thương đã khó, động viên, thuyết phục để bào chữa cho Thương còn khó hơn. Tuy nhiên, TGV Mai Phượng vẫn kiên trì thuyết phục. Ngày bố Thương từ Quảng Ngãi ra Hải Phòng dự phiên tòa xét xử phúc thẩm con mình là một ngày đặc biệt. 
Do bố bị cáo từ xa tới, “lạ nước lạ cái” không có người thân quen ở Hải Phòng, thế là Mai Phượng kiêm luôn chân “xe ôm” chở bố bị cáo đến TAND, mời về nhà riêng ăn cơm. 
Kết quả xét xử phúc thẩm, Thương bị xử 14 năm tù do có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Phán quyết này mở ra cơ hội làm lại cuộc đời, trở về với gia đình khi Thương mới chỉ 17 tuổi. 
Tâm sự về nghề TGV của mình, Phạm Thị Mai Phượng cho rằng, làm TGV cũng như “làm dâu trăm họ”, do đó phải thực sự nhiệt tình và tâm huyết. TGV Mai Phượng vừa được Giám đốc Sở Tư pháp tặng Giấy khen vì thành tích xuất sắc tham gia đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL.   

Đọc thêm