Người vi phạm pháp luật muốn trở thành luật sư: Phải chứng minh quá trình phấn đấu, rèn luyện

(PLO) - Chiều 15/6, tại Bộ Tư pháp đã diễn ra phiên họp lần thứ 2 Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư (LS). Chủ trì phiên họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bổ sung một số quy định siết chặt hơn về tiêu chuẩn trở thành LS nhằm nâng cao chất lượng, làm trong sạch đội ngũ LS vốn đã và đang gây không ít bức xúc.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp.

Giải pháp tình thế trong giai đoạn hiện nay

Qua công tác quản lý nhà nước về LS, hành nghề LS, thực tiễn hoạt động LS và báo cáo về việc triển khai Nghị định 123 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy còn có vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Nghị định 123. Đáng chú ý là hiện còn thiếu các quy định cụ thể về tiêu chuẩn trở thành LS, nhất là tiêu chuẩn về tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và có phẩm chất đạo đức tốt dẫn đến còn có cách hiểu khác nhau, sự áp dụng không thống nhất trên thực tế. 

Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đặng Kim Hoa cho biết thêm, có một số trường hợp đã từng có hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm nhiều lần, thậm chí bị tước quân hàm, quân hiệu, cách chức chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên do vi phạm nghiêm trọng quy định của ngành, vi phạm có tính chất hệ thống nhưng vẫn trở thành LS. Những trường hợp này khi trở thành LS sẽ làm giảm sút chất lượng đội ngũ LS và ảnh hưởng nhất định đến hình ảnh, uy tín nghề nghiệp LS. 

Vì vậy, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung dự kiến bổ sung quy định những trường hợp bị coi là không đáp ứng đủ tiêu chuẩn tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và tiêu chuẩn có phẩm chất đạo đức tốt theo quy định tại Điều 10 của Luật LS. Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, thi hành án dân sự hoặc bị kết án về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý, nếu muốn trở thành LS thì phải chứng minh được quá trình phấn đấu, rèn luyện của mình về việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và có phẩm chất đạo đức tốt sau khi bị xử lý. Đối với người có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tính liêm chính, trung thực hoặc vi phạm pháp luật mà bị xử lý kỷ luật nhiều lần hoặc bị xử lý kỷ luật về hành vi liên quan đến tư tưởng, nhận thức chính trị thì không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và có phẩm chất đạo đức tốt.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến thông tin, đây mới chỉ là giải pháp tình thế nhằm bước đầu giải quyết vướng mắc trong giai đoạn hiện nay bởi Luật LS chưa được sửa đổi. Sau khi tổng kết thi hành 5 năm Luật LS, Cục sẽ tham mưu cho Bộ Tư pháp nghiên cứu sửa đổi Luật, đảm bảo phù hợp thực tiễn, nâng cao chất lượng đội ngũ LS.

Phải làm trong sạch đội ngũ LS

Tại cuộc họp, đa số đại biểu nhất trí với việc bổ sung quy định phải chứng minh quá trình phấn đấu, rèn luyện nếu muốn trở thành LS. Thành viên Tổ biên tập đến từ Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) đề nghị, việc chứng minh quá trình rèn luyện, phấn đấu phải có căn cứ rõ hơn để cơ quan quản lý nhà nước có thể làm được, người muốn trở thành LS phải tâm phục, khẩu phục. Ngoài ra, phải định rõ thời hạn phấn đấu là mấy năm (2, 3 hoặc 5 năm) không có hành vi vi phạm nữa thì mới ghi nhận quá trình phấn đấu vì liên quan đến vấn đề xóa án tích. 

Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Võ Văn Tuyển lại cho rằng, không nên điều chỉnh hành vi về tư tưởng, thông thường điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp mới điều chỉnh tư tưởng. Về việc chứng minh quá trình phấn đấu, rèn luyện, ông Tuyển đồng tình quy định cụ thể trong Nghị định, chứ không phụ thuộc vào việc xác nhận của bên thứ 3 nào đó. Qua tham khảo Điều 9 Luật LS, trong đó có quy định không được lợi dụng hoạt động nghề nghiệp gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, ông Tuyển kiến nghị bổ sung tiêu chuẩn trung thành với Tổ quốc. 

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết, bản thân ông tiếp xúc với một số hồ sơ đề nghị Bộ Tư pháp cấp giấy chứng nhận hành nghề LS, thấy rõ ràng là không thể cấp được nhưng bị người đề nghị cấp “kiện lên kiện xuống”. “Đó là trường hợp nhận tiền của đương sự, bị khởi tố, đi tù về, tiếp tục làm bộ hồ sơ chứng minh đề nghị Bộ Tư pháp phải cấp song hành vi nhận tiền, chiếm đoạt tiền của người dân thì sao chấp nhận được để cấp lại. Hay một trường hợp từng bị lập 8 biên bản xử lý, 5 lần xử lý kỷ luật Đảng nhưng kiện Bộ Tư pháp vì không cấp giấy” - Thứ trưởng dẫn chứng. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đồng tình phải có những quy định siết chặt hơn về tiêu chuẩn trở thành LS nhằm nâng cao chất lượng, làm trong sạch đội ngũ LS. 

Đọc thêm