Nguyên tắc quốc tịch: Tiếp tục “mềm dẻo” hay chuyển hướng theo xu thế chung?

(PLO) - Ngày 21/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Xu hướng quốc tịch: Nguyên tắc và thực trạng áp dụng tại Việt Nam”. Đây là Hội thảo thuộc Đề tài cấp Bộ do Lãnh đạo Bộ Tư pháp “đặt hàng” đối với công tác nghiên cứu khoa học để có được đề xuất chính sách phù hợp về vấn đề quốc tịch.
 Viện trưởng Nguyễn Văn Cương phát biểu tại Hội thảo.
Viện trưởng Nguyễn Văn Cương phát biểu tại Hội thảo.

Đề xuất Việt Nam theo nguyên tắc 2 hoặc đa quốc tịch.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương cho rằng quốc tịch là vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Với đặc thù của Việt Nam có cộng đồng người Việt lớn, sinh sống tại nhiều quốc gia khác nhau, quốc tịch đã nảy sinh nhiều tình huống “thú vị”. Trong đó, có trường hợp một người sử dụng quốc tịch Việt Nam để được ưu đãi nhập cảnh, đầu tư nhưng khi có hành vi vi phạm lại dùng quốc tịch nước ngoài để được hưởng bảo hộ ngoại giao, bảo hộ lãnh sự cho hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Theo Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Vì thế, trên thực tế có tình trạng công dân Việt Nam định cư ở một số nước mà ở đó khi nhập quốc tịch nước sở tại không bắt buộc phải thôi quốc tịch Việt Nam, dẫn đến số lượng khá đông người Việt Nam định cư ở nước ngoài có 2 quốc tịch. Còn nhìn ra thế giới thì ngày nay, xu hướng 2 và đa quốc tịch đang được nhiều nước thực hiện. Từ thực tế của nước ta và xu hướng quốc tế, ông Cương mong muốn các chuyên gia đề xuất chính sách nào phù hợp với nước ta, là tiếp tục nguyên tắc “mềm dẻo” hay nới rộng hơn nữa cũng như phân tích ưu, nhược điểm của từng xu hướng.

ThS Cao Xuân Phong (Viện Khoa học pháp lý) cũng nhận xét, với quy định hiện hành của Luật 2008 thì nước ta tuân theo nguyên tắc 1 quốc tịch “mềm dẻo”. Tuy nhiên, trên thực tế, dường như đây là tình trạng 2 quốc tịch của một bộ phận công dân. Ông Phong cho rằng, nếu tiếp tục duy trì tình trạng này, pháp luật sẽ còn lúng túng khi xử lý. Cụ thể, khi nào thì cho phép áp dụng 1 quốc tịch “mềm dẻo”, các quy định về trình tự, thủ tục liên quan còn chưa hợp lý, chưa có quy định về thời hạn, về hạn chế quyền/nghĩa vụ. Do vậy, đã đến lúc chúng ta cần khẳng định lại nguyên tắc quốc tịch của mình hoặc là nguyên tắc 1 quốc tịch có ngoại lệ (mang tính pháp lý hơn là nguyên tắc “mềm dẻo” hay là nguyên tắc đa quốc tịch để nghiên cứu xử lý các vấn đề liên quan và hoàn thiện pháp luật theo định hướng đã lựa chọn.

Chung nhận định việc nguyên tắc 1 quốc tịch “mềm dẻo” là không có tính pháp lý, TS Nguyễn Thị Thuận khẳng định, đây thực chất là 2 quốc tịch và thực tiễn phát sinh rất nhiều người có 2 quốc tịch. Từ xu hướng đa quốc tịch đang phát triển trên thế giới, bà Thuận cho rằng đến lúc Việt Nam phải theo, nhưng theo đến đâu, mức độ như thế nào thì cần tính toán, cân nhắc bởi nguyên tắc 1 quốc tịch hay 2 quốc tịch đều có mặt thuận, nghịch của chúng. Nguyên Cục trưởng Cục Con nuôi Vũ Đức Long cũng kỳ vọng nguyên tắc quốc tịch tới đây sẽ được sửa đổi thành đa quốc tịch, không hẳn chỉ vì hội nhập mà còn là để không tạo ra “khoảng mờ” do việc giải quyết các vấn đề quốc tịch không có đủ trình tự, thủ tục.

Thay đổi phải tính đến “sức khỏe” của thể chế và bộ máy

Ngược lại, nguyên Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Lê Mai Anh phân tích, việc thay đổi nguyên tắc quốc tịch phải xuất phát từ năng lực của bộ máy nhà nước và việc thay đổi này sẽ ảnh hưởng không ít các quy định khác có liên quan từ cư trú, dân sự, hình sự... Nguyên tắc quốc tịch nào cũng phải bảo đảm tốt quyền lợi của người dân và phù hợp với “sức khỏe” thể chế, bộ máy của chúng ta. Bà Mai Anh đề xuất giữ nguyên tắc hiện nay và có quy định hướng dẫn cụ thể để tăng cường hiệu quả thực hiện. “Những vướng mắc vừa qua không phải từ quy định của Luật, nguyên tắc 2 hay đa quốc tịch không phải là phép màu làm thay đổi thực trạng hiện nay. Hơn nữa, trên thế giới đều tồn tại 2 trường phái là 1 quốc tịch và 2 hoặc đa quốc tịch và không phải nước nào cũng chuyển sang 2 và đa quốc tịch” - bà Mai Anh lý giải.

Đại diện Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) cho biết, qua công tác quản lý cư trú, nổi lên một số vướng mắc như công dân Việt kiều Campuchia một số nước khác (chủ yếu là thế hệ F1, F2) hiện giờ quay về Việt Nam mong muốn được xác định quốc tịch song hầu hết họ không còn giấy tờ chứng minh hay nhiều phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc mang con lai hồi hương... thường khó khăn trong xác định quốc tịch. Để giải quyết vướng mắc này, vị đại diện cho rằng nên đề ra giải pháp quản lý để mang lại lợi ích tốt nhất.

Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Công Khanh quan niệm, việc xác định quốc tịch là then chốt nhưng có thực trạng là chúng ta quản lý còn lỏng lẻo nên ông Khanh tán thành phải tăng cường quản lý. Thời gian tới, nếu tiếp tục ghi nhận nguyên tắc “mềm dẻo”, theo ông Khanh, cần quy định rõ quyền, nghĩa vụ của người đồng thời có 2 quốc tịch. “Nên chăng có thể quy định ngành nghề được hay không được 2 quốc tịch, như đã là công chức, công an, quân đội... thì dứt khoát chỉ 1 quốc tịch” - ông Khanh gợi ý.

Đọc thêm