Nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng: Quản trên chất lượng hay trên tuổi thọ thiết bị?

(PLO) - Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 23/2015/TT-BKHCN quản lý việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, tiêu chí duy nhất phù hợp đối với thiết bị đã qua sử dụng phải là tiêu chí về chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị, thông qua quy định về tỷ lệ % tối thiểu chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điều kiện về tuổi của thiết bị là không hợp lý

Khoản 2 Điều 5 Dự thảo quy định yêu cầu chung đối với thiết bị đã qua sử dụng khi nhập khẩu phải có “tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm”. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – đại diện cộng đồng Việt Nam, các ý kiến của doanh nghiệp cho rằng, đây là điều kiện không mới so với quy định tại Thông tư 23. 

Trước đây, VCCI cũng đã có ý kiến về điều kiện này. Theo đó, tiêu chí về tuổi thiết bị, dù là áp dụng chung cho tất cả các loại máy móc, thiết bị trong tất cả các lĩnh vực sản xuất chuyên ngành hay tuổi riêng cho máy móc, thiết bị từng ngành, là khiên cưỡng và bất hợp lý. Lý do chủ yếu là tuổi máy móc, thiết bị không phản ánh nguy cơ ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng quan trọng của máy móc, thiết bị. Một lý do khác là việc phân ngành tất cả các loại máy móc thiết bị là không khả thi, bởi một ngành có thể có phạm vi rộng hẹp khác nhau, nhiều loại thiết bị, máy móc khác nhau mà tác động của “tuổi” đến các lợi ích công không giống nhau.

Từ quan điểm trên, VCCI cho rằng tiêu chí duy nhất phù hợp trong trường hợp này phải là tiêu chí về chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị, thông qua quy định về tỷ lệ % tối thiểu chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Vì vậy, VCCI đề nghị điều chỉnh khoản 2 Điều 5 Dự thảo theo hướng bỏ quy định hiện tại (về tuổi thiết bị), thay thế bằng quy định về tỷ lệ % tối thiểu chất lượng còn lại của thiết bị đã qua sử dụng.

Tương tự, về yêu cầu đối với thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu theo dự án đầu tư quy định tại Điều 7, Dự thảo đưa ra 3 phương án về điều kiện nhập khẩu đối với nhóm thiết bị này, gồm: Một, các thiết bị chính của dây chuyền công nghệ có tuổi không quá 20 năm; Hai: Các thiết bị chính của dây chuyền sản xuất có tuổi thọ còn lại không ít hơn 10 năm so với thiết kế; Ba: Chất lượng còn lại của các thiết bị chính từ 75% trở lên. VCCI cho rằng, yêu cầu đối với thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu theo dự án đầu tư theo phương án 3 là phù hợp, nhưng tỷ lệ % theo đề xuất là quá cao, đề nghị cân nhắc hạ mức tỷ lệ này xuống (có thể là 50%).

Hồ sơ, thủ tục nhập khẩu: Nhiều quy định chưa phù hợp

Điều 10 Dự thảo quy định về thủ tục hành chính liên quan đến nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng trong các dự án đầu tư, theo đó chia làm 2 bước. Bước 1: Ở giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư; Bước 2: Ở giai đoạn quyết định đầu tư. 

Thủ tục này liên quan đến thủ tục đầu tư quy định tại pháp luật về đầu tư. Các chuyên gia pháp luật cho rằng, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét về yêu cầu thêm tài liệu trong hồ sơ dự án đầu tư trong thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư.

Điều 33 Luật Đầu tư 2014, Điều 31-33 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định cụ thể, chi tiết về hồ sơ cũng như thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có hướng dẫn về tài liệu liên quan đến công nghệ được sử dụng trong dự án đầu tư, nhưng chỉ áp dụng đối với trường hợp các công nghệ hạn chế chuyển giao. Điều này được hiểu, đối với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đăng ký đầu tư sẽ không xem xét về máy móc, thiết bị công nghệ được sử dụng trong dự án đầu tư nếu không phải thuộc trường hợp các công nghệ được chuyển giao. “Do đó, việc Dự thảo yêu cầu bổ sung thêm tài liệu trong hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư là chưa phù hợp với Luật Đầu tư 2014 và Nghị định 118/2015/NĐ-CP, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này” – văn bản của VCCI gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất.

Ngoài ra, VCCI cho rằng, quy định trong trường hợp dự án không phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện thủ tục xin ý kiến Bộ Khoa học và Công nghệ là chưa phù hợp với pháp luật về đầu tư. Việc Dự thảo bổ sung thêm thủ tục hành chính yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện trước khi thực hiện dự án đầu tư cho tất cả các trường hợp không thuộc diện xin chủ trương đầu tư là chưa phù hợp với pháp luật về đầu tư, đồng thời tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. 

VCCI cũng cho rằng Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải nộp “phương án đầu tư” là chưa hợp lý và không phục vụ mục đích liên quan. Tương tự, việc yêu cầu hồ sơ hải quan trong giai đoạn xin giấy phép nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng của Bộ Khoa học và Công nghệ là chưa hợp lý và ít ý nghĩa bởi Hồ sơ nhập khẩu theo pháp luật hải quan không thể hiện các thông tin liên quan tới điều kiện nhập khẩu mà thiết bị đã qua sử dụng phải đáp ứng (vì vậy không phục vụ cho việc kiểm soát này), và các giấy tờ khác trong hồ sơ xin cấp phép đã đủ để chứng minh thiết bị nhập khẩu có đáp ứng điều kiện hay không rồi. 

Đọc thêm