Những dịch vụ Thừa phát lại cung cấp cho người dân

(PLO) - Tôi có nghe nói về văn phòng Thừa phát lại, nhưng không hiểu đây là văn phòng gì? Văn phòng này có những dịch vụ gì cung cấp cho dân?  - Hoàng Văn Sơn (Đông Hà - Quảng Trị)
Hình minh họa
Hình minh họa

Theo Điều 3 Nghị định 61/2009/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì ngoài nhiệm vụ tống đạt các văn bản, quyết định cho Tòa án và các cơ quan Thi hành án, Thừa phát lại được cung cấp cho dân những dịch vụ sau:

Thứ nhất: Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án, và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định của pháp luật Vi bằng có hai giá trị pháp lý cụ thể:

- Vi bằng có giá trị chứng cứ để Toà án xem xét khi giải quyết vụ án.

- Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Với dịch vụ này, người dân có điều kiện tự bảo vệ mình trong các giao dịch dân sự, tự mình tạo lập chứng cứ khi có tranh chấp yêu cầu Tòa án giải quyết.

Thứ hai: Thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự:

Theo quy định của pháp luật, người dân có thể nhờ Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các Cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Văn phòng Thừa phát lại đóng trụ sở.

Khi thực hiện việc xác minh, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Văn phòng Thừa phát lại đóng trụ sở trong trường hợp đương sự cư trú, có tài sản tại địa phương đó.

Việc xác minh bao gồm: truy tìm tài sản của người phải thi hành án, bao gồm cả bất động sản, tài sản đang do người thứ ba giữ; xác minh tài khoản tiền gửi tại kho bạc, ngân hàng, các tổ chức tín dụng; tìm các nguồn thu khác của người phải thi hành án; … Người được thi hành án có quyền dùng kết quả xác minh điều kiện thi hành án mà Thừa phát lại cung cấp để yêu cầu thi hành án tại Cơ quan thi hành án dân sự, hoặc Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền để được thi hành.

Thứ ba: Thừa phát lại được quyền trực tiếp tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 61/2009/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

Khi thực hiện công việc về thi hành án dân sự, Thừa phát lại có quyền như Chấp hành viên quy định tại Điều 20 của Luật Thi hành án Dân sự, trừ khoản 9, khoản 10 và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Với dịch vụ này, người dân có quyền lựa chọn đơn vị tổ chức thi hành án cho mình hiệu quả với mức chi phí hợp lý./.

Đọc thêm