Những điểm mới hướng dẫn Bộ luật Lao động 2012

(PLO) - Kể từ ngày 15/12/2018, nhiều điểm mới trong Nghị định số 148/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động 2012 sẽ có hiệu lực thi hành.
Ảnh minh họa: Trần Việt
Ảnh minh họa: Trần Việt

Người giao kết hợp đồng lao động

Theo quy định mới, người được ủy quyền làm người đại diện theo quy định pháp luật sẽ là người giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) bên phía người sử dụng lao động (NSDLĐ) thay vì mặc định là Chủ hộ/người đứng đầu tổ chức ký.

Cụ thể, khoản 1 Điều 3 được sửa đổi như sau: “1. Người giao kết HĐLĐ bên phía NSDLĐ là người thuộc một trong các trường hợp sau: a) Người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã; b) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật; c) Người được các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân ủy quyền làm người đại diện theo quy định của pháp luật; d) Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động; e) Người được người đại diện theo pháp luật quy định tại điểm a hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định tại điểm b khoản này ủy quyền bằng văn bản về việc giao kết HĐLĐ”.

Nội dung HĐLĐ có gì mới?

Nghị định 148/2018/NĐ-CP sửa đổi khoản 6, khoản 7, khoản 8 và khoản 9 Điều 4 bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP, theo đó, với phần chế độ nâng bậc, nâng lương, bổ sung trường hợp hai bên giao kết HĐLĐ có thể thỏa thuận thực hiện theo quy chế của NSDLĐ, thỏa ước lao động tập thể.

Liên quan đến thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, Nghị định 148/2018/NĐCP bổ sung trường hợp hai bên có thể thỏa thuận thực hiện theo nội quy lao động, quy chế của NSDLĐ, thỏa ước lao động tập thể và theo quy định của pháp luật, chứ không nhất thiết phải cụ thể ngày giờ làm việc trong HĐLĐ như quy định hiện hành.

Quy định về HĐLĐ với người lao động (NLĐ) cao tuổi, khoản 2 Điều 6 sửa đổi như sau: Khi NSDLĐ không có nhu cầu hoặc NLĐ cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên “thỏa thuận” (thay cho “thực hiện”) chấm dứt HĐLĐ.

Quy định về thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, mất việc Theo Nghị định 148/2018/NĐ-CP, thời gian thử việc, học nghề, tập nghề không được tính trong tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ khi tính trợ cấp. Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định mà được NSDLĐ trả lương được tính là thời gian đã làm việc thực tế cho NSDLĐ.

Thời gian được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bao gồm: Thời gian NSDLĐ đã đóng BHTN, thời gian được tính là thời gian đã đóng BHTN theo quy định của pháp luật về BHTN, thời gian NSDLĐ đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của NLĐ một khoản tiền tương đương với mức đóng BHTN theo quy định của pháp luật về lao động, BHTN.

Nghị định này cũng bổ sung trường hợp NSDLĐ được kéo dài thời gian giải quyết quyền lợi của NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ lên tối đa 30 ngày, đó là: Sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản theo Điều 45 của Bộ luật Lao động.

Ngoài ra, trong Nghị định này, cũng sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ để trả cho NLĐ trong ngày nghỉ, bổ sung quy định về tiền lương làm căn cứ bồi thường khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, sửa đổi quy định về đăng ký nội quy lao động và trình tự xử lý kỷ luật lao động.

Đọc thêm