Những loại giấy tờ nào chứng thực không phụ thuộc vào nơi cư trú?

(PLVN) - Theo Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, có rất nhiều loại giấy tờ người dân không cần về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của mình để chứng thực. UBND cấp xã, Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc tổ chức hành nghề công chứng sẽ đáp ứng yêu cầu chứng thực mà không phân biệt nơi cư trú của họ, cụ thể như sau:
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

1. Chứng thực bản sao từ bản chính. Về giá trị pháp lý, bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch. Bản sao từ bản chính để chứng thực phải gồm đầy đủ số trang có thông tin của bản chính, ví dụ: Chứng thực bản sao từ bản chính sổ hộ khẩu thì phải chụp đầy đủ trang bìa và các trang của sổ đã ghi thông tin về các thành viên có tên trong sổ; Chứng thực hộ chiếu thì phải chụp cả trang bìa và toàn bộ các trang của hộ chiếu có ghi thông tin.

2. Chứng thực chữ ký trong giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản như: (1) Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền; (2) Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp; (3) Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa; (4) Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. 

Chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân, người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình, người chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét nào, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân.  

3. Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản (bất động sản là đất đai và tài sản, công trình gắn liền với đất đai; động sản là tài sản không phải là bất động sản). Ví dụ như hợp đồng mua bán xe, mua bán đồ gỗ…

4. Chứng thực di chúc. 

Thẩm quyền chứng thực bản sao, lý lịch, chữ ký, giao dịch 

Người yêu cầu chứng thực có quyền yêu cầu chứng thực 4 loại giấy tờ nêu trên tại bất kỳ UBND cấp xã, Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc tổ chức hành nghề công chứng nào thuận tiện nhất, mà không phải về nơi cư trú (đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú) để thực hiện. Trong trường hợp bị từ chối chứng thực, công dân có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức từ chối giải thích rõ lý do bằng văn bản hoặc khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Lưu ý, khi đến yêu cầu chứng thực, người yêu cầu phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ theo quy định (Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu phải còn giá trị sử dụng) và phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp lệ, hợp pháp của giấy tờ, văn bản mà mình yêu cầu chứng thực. 

Đọc thêm