Nợ chung- nợ riêng khi ly hôn giải quyết như thế nào?

(PLO) -Chị Nguyễn Kim Anh (Nguyenanh198...@gmail.com ) có hỏi: trong thời gian hai vợ chồng chung sống, tôi đã vay 600 triệu đồng để xây nhà ở (có giấy xác nhận và người làm chứng). Sau khi xây nhà xong, do mẫu thuẫn vợ chồng, tôi đã gửi đơn ly hôn. Tuy nhiên, khi Tòa án đề cập về khoản tiền xây nhà, chồng tôi không thừa nhận khoản tiền nợ chung này. Vậy bây giờ tôi cần làm gì để chồng tôi phải thừa nhận nghĩa vụ trả nợ này?

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật, nếu vợ hoặc chồng hay cả hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có giao dịch với người khác để vay nợ nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình (như sửa chữa, xây dựng nhà ở..), mà nay vợ, chồng không tự thỏa thuận được nghĩa vụ trả nợ là nghĩa vụ chung của vợ chồng, hay riêng của vợ hoặc chồng và có yêu cầu Tòa án giải quyết, thì Tòa án sẽ căn cứ vào chứng cứ, lời khai để đánh giá, kết luận có hay không việc vay nợ; mục đích vay nợ, việc sử dụng tài sản vay nợ cho nhu cầu chung của gia đình, hay nhu cầu riêng của vợ, hoặc chồng.

Trường hợp của bạn:

- Nếu bạn chứng minh được số tiền 600 triệu mà bạn vay để xây nhà (là khoản nợ nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của gia định) thì chồng bạn phải có nghĩa vụ liên đới đối với khoản nợ trên cùng với bạn. Để tiến hành hoạt động này thì bạn cần nộp cho Tòa án những hồ sơ sau:

+Hợp đồng vay tiền (hoặc giấy vay tiền) trong đó có thể hiện: họ tên, địa chỉ chủ nợ; họ tên, địa chỉ người vay nợ; thời gian vay nợ; số tiền vay nợ; lãi suất vay; thời hạn trả nợ; mục đích vay (nếu có), người làm chứng (nếu có);

+ Thời gian xây dựng nhà ở; hóa đơn, chứng từ vật liệu, chi phí xây nhà.

+ Chứng cứ về thu nhập của vợ, chồng. Chứng cứ về tài sản chung của vợ chồng đem xây nhà…

- Còn nếu những chứng cứ bạn đưa ra mà Tòa án xét thấy chưa đủ căn cứ để coi đó là khoản nợ chung thì có thể đó là nghĩa vụ riêng của bạn.

Đọc thêm