Pháp luật có cho tôi lấy chồng Đức?

(PLO) - Tôi đã kết hôn nhưng cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Chuẩn bị ly hôn. Hiện có một anh chàng người Đức rất yêu thương tôi. Xin hỏi, tôi có thể lấy chồng nước ngoài không?
Pháp luật có cho tôi lấy chồng Đức?

Trả lời:

Luật Hôn nhân và Gia đình không cấm kết hôn với người nước ngoài. Tuy nhiên, nếu bạn chưa ly hôn thì viêc này hoàn toàn không thể. Còn nếu bạn đã giải quyết xong mối quan hệ vợ chồng hiện tại trước pháp luật thì bạn có thể tiếp tục kết hôn dựa theo các điều kiện sau:

Theo quy định tại Điều 126 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn. Ngoài ra, khi tiến hành đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về điều kiện kết hôn.

Điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

"1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính".

Hồ sơ đăng ký kết hôn

Điều 30 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định như sau:

"Hồ sơ đăng ký kết hôn được lập theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:

a) Hai bên nam, nữ có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn;

b) Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài là giấy do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng; trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó.

Nếu giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận của tổ chức y tế theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch chỉ có giá trị 6 tháng, kể từ ngày cấp.

2. Trường hợp người nước ngoài không có hộ chiếu để xuất trình theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thì có thể xuất trình giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú.

3. Ngoài giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này, nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 36 của Nghị định này; nếu là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó".

Đọc thêm