Pháp nhân cũng sẽ đứng trước vành móng ngựa

(PLO) - Theo quy định hiện hành, chỉ cá nhân mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều đó cũng có nghĩa là mọi hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của doanh nghiệp, tổ chức sẽ chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, dân sự. Tuy nhiên, sắp tới đây, khi Bộ luật Hình sự được sửa đổi, pháp nhân cũng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự trước hành vi phạm tội của mình.
 Doanh nghiệp xả thải trái phép ra môi trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự  (ảnh: Công Lý)
Doanh nghiệp xả thải trái phép ra môi trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (ảnh: Công Lý)

Việc quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân là nội dung đã được Quốc hội thảo luận trong nhiều phiên họp góp ý cho Dự thảo luật Hình sự. Theo nhận định của nhiều ĐB, Luật Hành chính, Luật Dân sự đã quy định trách nhiệm của pháp nhân. Tuy nhiên, những chế tài của các luật này dường như không đủ sức để răn đe, ngăn chặn tình trạng pháp nhân gây tác hại cho cộng đồng xã hội. Do đó, đa số ĐB Qh khi đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Hình sự sửa đổi đều đưa ra quan điểm đồng tình với quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân. 

Phát biểu tại kỳ họp QH khóa XIII, khi tham gia sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự, nhiều ĐBQH đã  tán thành với các quan điểm chỉ đạo trong xây dựng Bộ luật Hình sự, mà trọng tâm đổi mới quan niệm về tội phạm hình phạt. Bởi vậy, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong dự thảo Bộ luật hình sự là phù hợp.

Quy định như vậy sẽ đáp ứng yêu cầu phòng, chống các hành vi của các pháp nhân có tính chất nguy hiểm cho xã hội và khá phổ biến trong thực tiễn hiện nay của xã hội ta. Khi các biện pháp xử lý hành chính dân sự không đủ mức độ răn đe, ngăn chặn các hành vi của các pháp nhân, dự thảo luật đã có những quy định về xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. 

Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng khi xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân cần  lưu ý đến hậu quả của việc đình chỉ giải thể pháp nhân ra sao? Xử lý theo trình tự thủ tục nào? Vấn đề bảo vệ quyền lợi người lao động ra sao? Đồng thời, nếu truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, cần bổ sung các quy định về tố tụng hình sự đối với pháp nhân.

ĐB đề nghị cần cân nhắc loại hình phạt này để tránh việc hình sự hóa quan hệ hành chính, tránh sự lạm dụng của cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng điều luật làm ảnh hưởng đến hoạt động của pháp nhân, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Ông ĐB TrầnVăn Độ - Nguyên Phó chánh án TAND TC phân tích: “Mặc dù chúng ta đã có trách nhiệm hành chính, bồi thường thiệt hại đối với pháp nhân. Nhưng luật hành chính hiện nay của chúng ta chưa đủ mạnh để xử lý tình trạng pháp nhân gây thiệt hại vô cùng to lớn. Mức tối đa hiện nay  của quy định xử phạt hành chính cũng không có tác động gì đối với các tập đoàn lớn, những công ty đa quốc gia. Ví dụ vụ vedan, gây thiệt hại rất lớn nhưng chúng ta chỉ xử phạt được tối đa hơn 200 triệu.

Về bồi thường cũng vậy, nếu yêu cầu bồi thường theo thủ tục dân sự, người dân phải tự nộp án phí, tự chứng minh thiệt hại. Cũng lại ví dụ vụ Vedan, làm sao người dân tự chứng minh được thiệt hại của mình. Hơn nữa, án phí quá lớn dân lấy đâu ra để nộp? Không quy định trách nhiệm hình sự, dân không có tiền để kiện pháp nhân, Còn nếu xử hình sự, việc chứng minh thiệt hại sẽ do cơ quan điều tra.”

Một lý do nữa ôngTrần Văn Độ đưa ra là xu thế thế giới hiện nay đối với việc quy định trách nhiệm của pháp nhân, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, không nên đi ngược với xu thế.

“Cũng không ngẫu nhiên, trước năm 1990, chỉ vài nước quy định trách nhiệm hình sự cá nhân, trong khi đó, chỉ 20 năm đã có gần 200 nước. Việc pháp nhân Việt Nam ra nước ngoài bị xử, còn pháp nhân họ vào Việt Nam không bị xử, đó là một điều bất bình đẳng”, ông Độ nói thêm.

Vì sao phải truy cứu trách nhiệm pháp nhân? một chuyên gia luật học phân tích: Có thể nói có tới 119 quốc gia đã làm, trong khu vực có 6 nước, người ta thấy mọi hoạt động của pháp nhân thông qua hành vi của các cá nhân. Chính hành vi của các cá nhân không tạo ra quyền và nghĩa vụ cho mà tạo ra quyền và nghĩa vụ của pháp nhân. Nếu có hành vi phạm pháp xảy ra, pháp nhân gây thiệt hại mà chỉ trừng phạt riêng người này thì không công bằng, bởi vì họ phải gánh chịu tội của người khác. Nếu trừng phạt pháp nhân thì bản thân cá nhân không đủ năng lực tài chính để nộp phạt.Ví dụ, phạt 15 tỷ đồng, hàng trăm tỷ đồng thì chỉ có pháp nhân mới thực hiện được.

Trong thực tế xảy, các nước quy định pháp nhân chịu trách nhiệm hình, doanh nghiệp Việt Nam sang nước ngoài vi phạm luật thì bị xử lý hình sự. Nhưng doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam vi phạm luật lại xử lý hành chính? Vì vậy, tôi thấy pháp nhân đã phạm lỗi hình sự và phạm lỗi hành chính được thì không nên khước từ trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Không ai nhân danh pháp nhân để phạm tội hiếp dâm hoặc giết người, nhưng qua luật pháp các nước thì pháp nhân phạm những tội như lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo, cạnh tranh bất hợp pháp, cho vay nặng lãi, đặc biệt gây ô nhiễm môi trường là vấn đề rất bức xúc ở Việt Nam hiện nay. Người ta cũng không phải xử tù, xử bắn pháp nhân, mà hình phạt các nước áp dụng chính là đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động, đặc biệt nhất là phạt tiền. Nếu cùng hành vi như cá nhân thì pháp nhân phạt tiền rất nặng, gấp hàng trăm lần, thậm chí đến hàng trăm tỷ đồng mới thỏa đáng.

Đặc biệt, quan trọng nhất là khi ta đã truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thì con đường chứng minh lỗi và chứng minh thiệt hại của pháp nhân bằng con đường tố tụng tư pháp, sẽ chặt chẽ, cứng rắn, bài bản, có điều kiện hơn và như thế mới quy được trách nhiệm cụ thể của pháp nhân, buộc pháp nhân phải thay đổi cách xử sự. Nếu không muốn mất uy tín trong thương trường thì anh phải thay đổi cách xử sự, không được gây ô nhiễm môi trường, không được trốn thuế, không được sản xuất hàng giả, không được làm những điều gây hại cho xã hội, điều đó là quan trọng.

Đọc thêm