Quy định DN đầu tư ra nước ngoài đưa NLĐ đi làm việc: Lấp “khoảng trống” pháp lý như thế nào?

(PLO) - Một trong những nội dung được quan tâm trong việc thực thi Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 72/2006/QH11) là hoàn thiện những quy định pháp luật liên quan đến việc các doanh nghiệp (DN) trúng thầu, DN đầu tư ra nước ngoài đưa NLĐ của DN đi làm việc ở nước ngoài.
Cần hoàn thiện quy định về việc doanh nghiệp trúng thầu, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động của doanh nghiệp đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa)
Cần hoàn thiện quy định về việc doanh nghiệp trúng thầu, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động của doanh nghiệp đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Những “khoảng trống” pháp lý…

Sau hơn 10 năm thực hiện, các quy định trong Luật số 72/2006/QH11 về DN trúng thầu, nhận thầu đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và các tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài được đánh giá đã đi vào thực tiễn, đạt được những hiệu quả đáng kể.   

Nhìn chung, các quy định về điều kiện được đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc của DN trúng thầu, nhận thầu, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài là phù hợp, thông thoáng. Luật số 72/2006/QH 11 đã quy định điều kiện để các đối tượng này đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc, hồ sơ, thủ tục các đối tượng cần thực hiện để báo cáo Bộ Lao động, Thương  binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), quyền và nghĩa vụ của các đối tượng. 

Các quy định trong Luật đã góp phần làm cho hình thức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đa dạng hơn, cơ hội và sự lựa chọn đi làm việc ở nước ngoài của NLĐ nhiều hơn, thuận lợi hơn, quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ được đảm bảo hơn. Đồng thời, các đối tượng chủ động nguồn nhân lực để thực hiện các dự án trúng thầu, nhận thầu hay đầu tư ra nước ngoài.

Tuy nhiên, đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, những quy định của Luật về hợp đồng lao động giữa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với DN trúng thầu, nhận thầu, đầu tư ra nước ngoài không còn phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn. Luật cũng chưa quy định rõ chính sách tiền lương cho lao động khi ra nước ngoài làm việc, quyền và trách nhiệm của các bên trong việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa phù hợp với tính chất đặc thù riêng (quan hệ lao động phát sinh bên nước ngoài) và cũng chưa phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. 

Bên cạnh đó, những quy định về điều kiện, hồ sơ cần thiết để báo cáo cơ quan chức năng trước khi đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa có quy định về căn cứ pháp lý cho việc tiếp nhận lao động Việt Nam của nước đến, cũng chưa  có quy định cụ thể, rõ ràng về  trách nhiệm của các cơ quan trong việc quản lý và hướng dẫn các DN trúng thầu và đầu tư ra nước ngoài thực hiện báo cáo khi đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc.

Ngoài ra, các quy định pháp luật khác liên quan còn có những điểm bất cập trong thực hiện quy định này.  Khoản 4, khoản 5 Điều 10 Nghị định 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài có nội dung Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ LĐ-TB&XH đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, các dự án không thuộc trường hợp phải xin ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH không có thông tin để theo dõi, đôn đốc thực hiện báo cáo đưa NLĐ ra nước ngoài. Dù rằng, cũng trong Nghị định này, Điều 34 quy định Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng, ban hành, trình ban hành văn bản, kiểm tra giám sát và thực hiện chế độ báo cáo về tình hình đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc tại các dự án đầu tư ở nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 73 của Luật Đầu tư.

Trong khi khoản 2 Điều 31 Luật 72/2006/QH11 quy định “Chỉ được đưa NLĐ đi làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh do tổ chức, cá nhân thành lập ở nước ngoài”, thì Điều 52 Luật Đầu tư quy định nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới các hình thức: “Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư; thực hiện hợp đồng BCC ở nước ngoài; mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài; mua bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài; các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư”. Còn Điều 32 Luật 72/2006/QH11 thì quy định: “Chậm nhất 20 ngày trước khi đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài phải gửi Báo cáo đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài kèm theo hồ sơ đến BộLĐ-TB&XH”. 

... Cần “lấp” như thế nào?

Qua theo dõi thực tiễn thực hiện quy định pháp luật này những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH nhận thấy, hầu hết các DN đầu tư ra nước ngoài, nhận thầu, trúng thầu không thực hiện quy định về đào tạo ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, phong tục tập quán của nước đến cho NLĐ. Việc đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cũng rất hình thức. Trên thực tế, cũng chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm và điều hành sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để hướng dẫn và quản lý việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hình thức này.

Tình trạng không báo cáo cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên diễn ra. Có tình trạng DN, tập đoàn lớn đưa hàng ngàn lượt lao động sang các dự án ở nước ngoài nhưng không có báo cáo Bộ LĐ-TB&XH.

Công tác theo dõi, quản lý hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương đối với các DN đưa lao động đi làm việc theo các hình thức trúng thầu, nhận thầu, đầu tư ra nước ngoài... hoàn toàn bị động, không thể thực hiện tốt, bởi những quy định hiện hành thiếu chặt chẽ, không thống nhất. Bên cạnh đó, với cơ chế xuất cảnh thông thoáng như hiện nay, các DN này hoàn toàn có thể đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khi chưa báo cáo cơ quan chức năng theo quy định mà không gặp bất cứ một trở ngại nào.

Chính vì thế, khi tổng kết thực hiện Luật số 72/2006/QH11, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị bổ sung những quy định cụ thể về nội dung hợp đồng lao động giữa DN trúng thầu, nhận thầu, đầu tư ra nước ngoài với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với những DN này.

Đồng thời, để đảm bảo tính khả thi, quyền lợi và nghĩa vụ của NLĐ đi làm việc tại các công trình, dự án mà DN Việt Nam trúng thầu, nhận thầu, đầu tư ra nước ngoài cần nghiên cứu cơ chế đóng bảo hiểm xã hội cho phù hợp với trường hợp đặc thù này.

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về hồ sơ đối với tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài để tránh “lách luật”, như bổ sung giấy tờ cho phép đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại dự án do cơ quan có thẩm quyền của nơi tiến hành dự án đầu tư cấp.

Một đề xuất khác nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng được đưa ra, đó là bổ sung quy định “Bộ KH – ĐT cung cấp cho Bộ LĐ-TB&XH thông tin về các dự án đầu tư ra nước ngoài có sử dụng lao động Việt Nam đã được Bộ KH-ĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài”.

Đọc thêm