Quy định rõ các trường hợp từ chối yêu cầu cung cấp thông tin

(PLO) -Bên cạnh việc cung cấp và công khai thông tin, Luật Tiếp cận thông tin cũng quy định rõ về việc từ chối yêu cầu cung cấp thông tin nhằm tạo cơ chế cho phép cơ quan nhà nước xem xét đưa ra quyết định không đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin của công dân mà không bị coi là vi phạm quyền tiếp cận thông tin hay thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Hình minh họa
Hình minh họa

Theo đó, các trường hợp từ chối yêu cầu cung cấp thông tin được Luật Tiếp cận thông tin quy định là thông tin được yêu cầu thuộc loại thông tin không được tiếp cận hoặc không đáp ứng các điều kiện đối với loại thông tin được tiếp cận có điều kiện.

Đây là các loại thông tin đã được tính toán cân nhắc trên cơ sở tôn trọng và sự cần thiết bảo vệ bí mật các thông tin có ảnh hưởng quan trọng tới chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ cũng như lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Khi nhận được yêu cầu cung cấp loại thông tin này, cơ quan được yêu cầu cung cấp thông tin cần xác định thông tin được yêu cầu thuộc loại thông tin nào để có hướng xử lý phù hợp, cung cấp toàn bộ, một phần hoặc từ chối việc cung cấp thông tin.

Về cơ bản, cơ quan cung cấp thông tin phải nỗ lực, tích cực trong việc cung cấp thông tin. Tuy nhiên, trong trường hợp thông tin được yêu cầu rơi vào trường hợp bị từ chối thì cơ quan nhà nước phải thông báo cho người yêu cầu bằng văn bản về việc từ chối và lý do từ chối cung cấp thông tin.

Việc quy định cơ quan nhà nước phải thông báo về việc từ chối yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước, đồng thời bảo vệ quyền của người yêu cầu cung cấp thông tin. Trong trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin bị từ chối, người yêu cầu có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định từ chối của cơ quan nhà nước để bảo vệ quyền lợi của mình. 

Đọc thêm