Quy định về đối thoại với thanh niên

(PLVN) - Đây là quy định tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 1/3/2021 quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Đối thoại trực tiếp hoặc trực tuyến

Nghị định nêu rõ 3 nguyên tắc các cơ quan chức năng đối thoại với thanh niên. Cụ thể, thứ nhất phải thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong tổ chức thực hiện đối thoại với thanh niên. Thứ hai, phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của thanh niên. Thứ ba, phải bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời, đúng quy định pháp luật.

Theo Nghị định, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm tổ chức đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần và theo hình thức đối thoại trực tiếp hoặc trực tuyến. Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trong nhân dân có trách nhiệm đối thoại với thanh niên theo yêu cầu của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức khác của thanh niên được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật.

Nội dung đối thoại bao gồm: Việc thực hiện cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật đối với thanh niên; Hoạt động của các cơ quan, tổ chức liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên; Những nội dung thuộc thẩm quyền hoặc trách nhiệm báo cáo với cơ quan có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị của thanh niên; Vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong học tập, lao động, rèn luyện, tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc…

Về tổ chức đối thoại, căn cứ kế hoạch, chương trình đối thoại đã được công khai, các cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ trì, phối hợp với tổ chức Đoàn Thanh niên cùng cấp và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện đối thoại.

Tại buổi đối thoại, cơ quan tổ chức quyết định tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của thanh niên bằng phiếu, phát biểu trực tiếp hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng, Trang/Cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị phù hợp với hình thức đối thoại. Sau đó, các câu hỏi sẽ được nhóm lại từng vấn đề để trả lời tại cuộc đối thoại. Đối với những nội dung không thuộc thẩm quyền giải quyết của người tổ chức đối thoại thì phải ghi nhận và gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Theo Nghị định, Bộ Nội vụ phải có trách nhiệm phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đối thoại với thanh niên và các địa phương.

Không những thế, hằng năm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải báo cáo kết quả tổ chức đối thoại và kết quả giải quyết các kiến nghị với cơ quan cấp trên trực tiếp; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phải tổng hợp kết quả thực hiện đối thoại thoại với thanh niên, báo cáo quản lý nhà nước về thanh niên và gửi về Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ.

Nhiều chính sách lớn đối với thanh niên

Nghị định cũng nêu khá nhiều cơ chế chính sách nhà nước đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi như: Về phổ cập giáo dục; Về hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí; Về đào tạo, tư vấn lựa chọn nghề nghiệp việc làm; Về trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ sức khỏe, thể chất, tinh thần; Về phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu.

Trong đó, đối với nhóm chính sách về đào tạo, tư vấn việc làm, Nghị định nêu rõ, thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được: Cung cấp thông tin, xu hướng phát triển kỹ năng nghề, việc làm tương lai và thị trường lao động; Tham gia các buổi tư vấn định hướng nghề nghiệp, việc làm; Tham gia các cuộc thi phát triển kỹ năng nghề, thực hành nghề nghiệp gắn với việc làm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đổi mới, thực hiện có hiệu quả việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của thanh niên và thị trường lao động trong từng giai đoạn; tổ chức và khuyến khích thanh niên tham gia các cuộc thi kỹ năng nghề.

Bên cạnh đó, gia đình cần có trách nhiệm tìm hiểu thông tin nghề nghiệp, việc làm và thị trường lao động để tư vấn, định hướng cho thanh niên lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp khả năng, nguyện vọng và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.

Đáng lưu ý, theo Nghị định, đối với vụ việc gây tổn hại đến thể chất và tinh thần tới nhóm thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì Bộ Công an cần phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, rà soát, hướng dẫn giải quyết kịp thời các vụ việc gây tổn hại về thể chất và tinh thần của thanh niên bảo đảm việc thực hiện các chính sách về hình sự, hành chính, dân sự cho thanh niên theo quy định của pháp luật. 

Các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn, lồng ghép các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi phát hiện vụ việc gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của thanh niên phải kịp thời tìm hiểu, báo cáo nhanh chóng, đầy đủ cho các cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết.

Ngoài ra, gia đình của các em cũng phải có trách nhiệm giáo dục, phổ biến cho thanh niên về chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi phát hiện vụ việc gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của thanh niên phải kịp thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết, giúp đỡ thanh niên sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. 

Đọc thêm