Quy định về hóa đơn điện tử: Thiếu rõ ràng, doanh nghiệp không thực hiện nổi

(PLO) - Chính phủ đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Theo các chuyên gia pháp luật, cần phải làm rõ nhiều nội dung, bởi quy định thiếu rõ ràng khiến DN không biết phải thực hiện thế nào.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Truyền dẫn dữ liệu trục trặc, DN sử dụng hóa đơn điện tử phải làm thế nào?

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, hiện tại, văn bản pháp luật cũng đã có quy định tạo cơ chế cho việc sử dụng hóa đơn điện tử và thực tế, DN cũng đã sử dụng loại hóa đơn này. Theo các chuyên gia pháp luật từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có thể hiểu, mục tiêu hướng đến của Nghị định này là sẽ thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn điện tử, qua đó tạo thuận lợi về thủ tục hành chính cho DN. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, cần có đánh giá toàn diện và kỹ càng hơn về việc sử dụng hóa đơn điện tử ở các DN, qua đó sẽ có căn cứ để đưa ra lộ trình cũng như xác định các đối tượng bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử. 

Thế nhưng, nội dung của Dự thảo chưa làm rõ được nội dung này, ít nhất ở các điểm về các thông tin đánh giá đối với việc sử dụng hóa đơn điện tử ở DN: chi phí; trong quá trình sử dụng hóa đơn, có những vấn đề cần trao đổi, sửa chữa hóa đơn sai, chưa chính xác … việc truyền dẫn dữ liệu như thế nào (thuận lợi hoặc khó khăn gì?) hay tính ổn định của việc sử dụng hóa đơn điện tử (DN cung cấp dịch vụ chữ ký số giải thể, gây khó khăn cho các DN sử dụng). 

“Đối tượng điều chỉnh của chính sách này sẽ là các DN nhỏ, siêu nhỏ, để sử dụng được hóa đơn điện tử, họ phải đầu tư cơ sở hạ tầng nhất định và bố trí nhân lực để vận hành hệ thống này. Đây là các chi phí không hề nhỏ, do đó cần được tính toán kỹ càng để đảm bảo tính khả thi và tạo thuận lợi cho nhóm DN này” – văn bản của VCCI gửi Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) nêu rõ.

Lộ trình áp dụng có khả thi?

Về mục tiêu thực hiện hóa đơn điện tử, Dự thảo đề ra mục tiêu “đến năm 2020, cơ bản thực hiện hóa đơn điện tử với khoảng 90% số DN hoặc 90% lượng hàng hóa được mua bán (lưu thông) bằng hóa đơn điện tử”. Theo số liệu thống kê trong Dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính thì đến năm 2016, có 656 DN sử dụng hóa đơn điện tử. “Mặc dù tăng gần gấp đôi so với năm 2015 nhưng đây là con số quá nhỏ so với tổng số DN đang hoạt động trên thị trường. Vì thế , trong 04 năm tới, mục tiêu 90% DN sẽ sử dụng hóa đơn điện tử liệu có khả thi hay không?” – các chuyên gia của VCCI băn khoăn.

Hơn nữa, từ ngày 01/01/2018, Dự thảo xác định nhóm đối tượng phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế gồm: i) Các DN mới thành lập (không bao gồm các DN sử dụng hóa đơn điện tử); ii) Các DN, tổ chức đang mua hóa đơn của cơ quan thuế gồm: DN vi phạm về quản lý, sử dụng hóa đơn; DN có rủi ro theo thông báo của cơ quan thuế và tổ chức, DN khác thuộc đối tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày 01/01/2018 phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo Thông báo của cơ quan thuế.

“Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại việc xác định các đối tượng trên phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 14/3/2011 hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thì để được sử dụng hóa đơn điện tử, DN phải đáp ứng một số điều kiện nhất định (nhân lực, cơ sở vật chất; …). Có nghĩa, không phải DN nào cũng được sử dụng hóa đơn điện tử. Với tính chất này, thì yêu cầu các DN mới thành lập, các DN, tổ chức đang mua hóa đơn của cơ quan thuế trong đó có nhiều DN không đáp ứng đủ điều kiện để được sử dụng hóa đơn điện tử … dường như là chưa hợp lý và thiếu tính khả thi. Do vậy, yêu cầu này cần được đánh giá kỹ càng và thận trọng hơn trong Dự thảo” – văn bản của VCCI đề xuất. 

Theo như đề xuất tại dự thảo Nghị định, cung cấp dịch vụ truyền nhận dữ liệu hóa đơn điện tử trung gian giữa cơ quan thuế và người nộp thuế (gọi là tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN) là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Vì thế, các chuyên gia pháp luật đề nghị Ban soạn thảo làm rõ, cung cấp dịch vụ T-VAN thuộc ngành, nghề nào trong Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục 4 (được sửa đổi năm 2016) của Luật đầu tư 2014. Đồng thời, làm rõ hình thức lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN là hoạt động cấp phép hay là đấu thầu hay là cách thức nào, bởi điều này vừa liên quan đến thủ tục hành chính vừa liên quan đến tính minh bạch trong hoạt động cung cấp dịch vụ T-VAN.

Đọc thêm