Quy định về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, bảo hành ô tô: Đề xuất sửa đổi để minh bạch chính sách

(PLVN) - Cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam cho rằng, những vướng mắc và kiến nghị của DN sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cần phải được cân nhắc, xem xét sửa đổi để đảm bảo tính minh bạch của chính sách.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bổ sung, sửa đổi quy định không cần thiết…

Dự thảo Nghị định sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy, chữa cháy của các DN sản xuất, lắp ráp ô tô.

Cụ thể, dự thảo Nghị định bỏ các điều kiện “có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động” (khoản 3 Điều 7); “đáp ứng đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy” (khoản 4 Điều 7); “có đủ các hồ sơ về bảo vệ môi trường đối với nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường” (khoản 5 Điều 7) (Điều 2 Dự thảo).

Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu tại Điều 6, theo đó yêu cầu “trong quá trình sản xuất, lắp ráp ô tô DN phải đảm bảo các quy định bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và các quy định về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy” (Điều 1 Dự thảo).

Trong văn bản góp ý dự thảo gửi Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp ý kiến của các DN đã nhận định rằng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định trên là “không thay đổi” về điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô, các DN vẫn phải đáp ứng các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật liên quan. 

“Quy định tại Nghị định 116 và Dự thảo đều dẫn chiếu chung chung theo hướng “theo quy định của pháp luật về …”. Xét bản chất, dù Dự thảo có quy định hay không thì DN cũng phải đáp ứng các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động; phòng cháy và chữa cháy; bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật” – văn bản của VCCI nêu. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng việc Dự thảo bổ sung Điều 1 về các quy định này là không cần thiết, đề nghị bỏ quy định tại Điều 1 Dự thảo.

Quy định cần thiết không bổ sung, sửa đổi

VCCI cũng nêu ra những quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP còn vướng mắc mà thời gian qua, VCCI nhận được nhiều ý kiến từ các DN sản xuất và nhập khẩu ô tô nước ngoài về một số vướng mắc nhưng vẫn chưa được sửa đổi.

Cụ thể, Nghị định 116/2017/NĐ-CP yêu cầu kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và an toàn kỹ thuật cho từng lô xe ô tô nhập khẩu (tại mục 2, điểm a, khoản 2, Điều 6). Quy định này làm tăng chi phí cho DN và các DN kiến nghị thay đổi theo hướng chứng nhận, thử nghiệm lần đầu và chấp nhận kết quả cho các lô hàng tiếp theo có cùng kiểu loại nếu không có sự thay đổi về thông số kỹ thuật.

Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định “Lô xe nhập khẩu là các ô tô thuộc một tờ khai hàng hóa nhập khẩu của DN nhập khẩu ô tô” (khoản 10 Điều 3). Có nghĩa, nếu 1 lô hàng có cùng vận đơn, cùng hóa đơn, cùng cảng đích, có số thuế nhập khẩu từ 12 chữ số sẽ phải làm thủ tục khai báo hải quan bằng giấy mà không sử dụng được hệ thống VNACCS, vì phải tách tờ khai để giảm trị giá. Nếu tách tờ khai sẽ phải lấy ít nhất 2 xe ô tô nhập khẩu thay vì 1 xe đi làm mẫu. Điều này sẽ gia tăng chi phí cho DN. Vì thế, DN đề nghị  bổ sung sửa đổi điểm này thành “một lô xe nhập khẩu là một lô hàng mà các ô tô có chung một vận đơn”.

Ngoài ra, Nghị định 116/2017/NĐ-CP yêu cầu các DN nhập khẩu ô tô phải cung cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của cơ quan thẩm quyền nước ngoài (viết tắt là VTA, tại mục 1 điểm a khoản 2 Điều 6). Một số DN cho biết, các hãng có xe nhập nguồn từNhật Bản đều không thể có VTA do Chính phủ Nhật không có cơ chế hoặc quy định về cấp VTA. DN kiến nghị chấp thuận phương án thay thế VTA bằng một trong nhiều giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp.

VCCI kiến nghị, đây là những vướng mắc cần được cân nhắc, xem xét để sửa đổi Nghị định 116/2017/NĐ-CP hoặc giải đáp để đảm bảo tính minh bạch của chính sách.

Đọc thêm