Quy tắc VIAC 2017 - Sự tiếp thu tiến bộ

(PLO) - Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) vừa công bố Quy tắc tố tụng trọng tài mới năm 2017. Đây là quy tắc trọng tài đầu tiên tại Việt Nam ra đời đáp ứng được sự thay đổi của quy định pháp luật tại Nghị quyết 01/2014/HĐTP/TANDTC ngày 22/03/2014 liên quan tới việc gộp các quan hệ pháp luật vào giải quyết chung trong một vụ tranh chấp. 

Thủ tục rút gọn

Trong Quy tắc trọng tài VIAC 2017, 3 điểm mới nổi bật là Điều 6: Tranh chấp từ nhiều hợp đồng; Điều 15: Gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp và Điều 37: Thủ tục rút gọn.

Nếu như trước đây các đơn vị phải tham gia song song các vụ kiện tương tự nhau. Nhưng với các quy định hoàn toàn mới tại Điều 6 và Điều 15 của Quy tắc VIAC 2017 thì các tranh chấp phát sinh từ nhiều quan hệ pháp luật đã có thể được gộp vào để giải quyết trong một vụ tranh chấp theo các quy định của pháp luật. Điều này sẽ giúp tiết kiệm từ 15% - 37% phí trọng tài, giảm tối đa thời gian theo kiện của các bên,  từ đó tiết kiệm được thêm các chi phí thuê luật sư, chi phí đi lại và rất nhiều phí tổn khác cho doanh nghiệp.

Cả Điều 6 và Điều 15 của Quy tắc VIAC 2017 sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ, giảm được những chi phí không cần thiết như thời gian và phí tổn cho việc theo kiện. Ví dụ trong lĩnh vực xây dựng, hợp đồng bảo hiểm, tài chính… là các lĩnh vực mà có nhiều quan hệ pháp luật đan xen nhau. Việc gộp vào một vụ giúp cho việc tìm ra bản chất pháp lý của sự việc để giải quyết.

Một điểm nổi bật nữa trong Quy tắc VIAC 2017 được thể hiện ở Điều 37 là thủ tục rút gọn. Thời gian giải quyết tranh chấp luôn là một trong những điểm sáng trong giải quyết tranh chấp tại VIAC, trong năm 2016, VIAC tiếp tục giữ vững tốc độ trung bình giải quyết tranh chấp là 153.6 ngày/vụ tranh chấp. Được biết, mục tiêu năm 2017 mà VIAC hướng đến là thời gian giải quyết tranh chấp ngắn nhất là 24 ngày. Và kỳ vọng tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hơn nữa mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Việc thủ tục trọng tài rút gọn như hiện nay hứa hẹn sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp tại VIAC, đặc biệt là đối với các vụ việc có tình tiết đơn giản; hồ sơ chứng cứ gọn nhẹ, điển hình là các tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm, mua bán hàng hóa.

Bên cạnh đó, theo Quy tắc VIAC 2017 thì Hội đồng Trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất; Trung tâm hoặc Hội đồng Trọng tài có thể rút ngắn bất kỳ thời hạn nào. Hội đồng Trọng tài căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên…

Tại buổi lễ công bố, ông Phan Trọng Đạt - Phó Tổng Thư ký VIAC - cho biết, các quy tắc tố tụng VIAC 2017 sẽ chính thức được thực hiện từ 1/3/2017. “Với đội ngũ trọng tài viên là các chuyên gia hàng đầu trong hầu hết các lĩnh vực của hoạt động thương mại và Ban Thư ký chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệp trong hỗ trợ điều phối quá trình tố tụng, VIAC tự tin vận hành Thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp nhanh chóng mà vẫn đảm bảo chất lượng của quá trình” – ông Đạt nhấn mạnh.

“Quy tắc VIAC 2017 - Sự tiếp thu tiến bộ”

Đó là một trong những đánh giá chung của các luật sư, chuyên gia, doanh nghiệp… về Quy tắc VIAC 2017. Ông  Nguyễn Đức Mạnh - Phó Giám đốc Cty Luật TNHH Bizlink - khẳng định: “Quy tắc VIAC là một sự tiếp thu tiến bộ với nhiều điểm mới tích cực, đặc biệt là các quy định tại Điều 6, Điều 15 và Điều 37. Cùng với đó, những bản phán quyết của VIAC luôn được đánh giá cao bởi có sự uy tín và công tâm. Cái mục tiêu lớn nhất có thể nói là Quy tắc VIAC 2017 mang đến một dịch vụ pháp lý, cung cấp một dịch vụ giải quyết tranh chấp một cách thuận tiện nhất và mang đến sự công bằng cho doanh nghiệp, tôi cho đấy là mục tiêu của quy tắc này”.

Nói riêng về lĩnh vực ngân hàng, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, Quy tắc VIAC 2017 đã giải quyết được rất nhiều vấn đề của lĩnh vực ngân hàng. “Một điểm rất hay của Quy tắc VIAC 2017 là thêm cơ hội lựa chọn cho các đương sự. Điểm hay thể hiện là khi chọn Toà án để giải quyết thì không chọn được Toà trọng tài. Nhưng ngược lại, khi chọn Toà trọng tài thì vẫn có thể đưa lên Toà án giải quyết. Thêm nữa, trong lĩnh vực ngân hàng của chúng tôi có rất nhiều vụ và rất phức tạp thì với sự chuyên nghiệp trong chi phí, thời gian và quy tắc cả trong và ngoài nước của Quy tắc tố tụng trọng tài 2017 đã giải quyết được nhiều vấn đề cho lĩnh vực này” - ông Đức nhấn mạnh.

Cùng với đó, ông Nguyễn Quý Tỵ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Trọng tài viên VIAC  - cho rằng, việc sửa đổi Điều 37 mới của Quy tắc VIAC là vô cùng cần thiết. “Hoan nghênh Trung tâm Trọng tài quốc tế đã nhanh chóng sửa đổi quy tắc tố tụng trọng tài phù hợp, linh hoạt và tạo điều kiện cho các đương sự. Việc sửa đổi này là cần thiết, khi doanh nghiệp đến với Toà trọng tài ngoài mong muốn được giải quyết nhanh chóng thì cũng yêu cầu phải khách quan trong các vụ việc” - ông Tỵ nói.

Về hoạt động trọng tài ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp - khẳng định: “Nếu nói tới hoạt động trọng tài ở Việt Nam thì không thể không nhắc tới VIAC. Trong bối cảnh Chính phủ nước ta đang cải cách thủ tục hành chính, cải thiện đầu tư, môi trường kinh doanh thì VIAC nổi lên như là một điểm sáng và là tổ chức đáng tin cậy, minh bạch trong giải quyết các tranh chấp.

Trong năm 2016 không có phán quyết nào của VIAC bị huỷ. Và chính điều này đã tạo lập được niềm tin và trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho giới kinh doanh đầu tư. Với bộ quy tắc tố tụng năm 2017 được công bố hôm nay với việc chỉ có 3 điểm mới nhưng lại rất cơ bản và mang tính đột phá rất nhiều.

Theo số liệu tổng kết, năm 2016, VIAC đã tiếp nhận 155 vụ tranh chấp; trong số đó, 41% là tranh chấp trong lĩnh vực mua bán, xuất nhập khẩu; 15% là tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng, 11% là các tranh chấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, và các tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm, thuê... Năm 2016 cũng là năm đầu tiên số lượng các vụ tranh chấp nội địa tại VIAC chiếm trên 50% số vụ tranh chấp giải quyết tại VIAC, thể hiện niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI, đối với phương thức trọng tài thương mại tại VIAC.

Đọc thêm