Quyền lực của Interpol

(PLO) - Interpol không có quyền lực thực tế mà hoạt động dựa trên nguyên tắc phối hợp hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên.

Được thành lập từ năm 1923, Interpol hiện nay là tổ chức cảnh sát quốc tế lớn nhất thế giới với hơn 190 quốc gia thành viên. Ngân sách hoạt động hàng năm khoảng 113 triệu USD, hầu hết do cơ quan thực thi pháp luật của các quốc gia thành viên đóng góp.

Để đảm bảo vị trí trung lập, Hiến chương của tổ chức này ngăn cấm thực hiện bất cứ hành động can thiệp có tính chất quân sự, chính trị, tôn giáo hoặc phân biệt chủng tộc. Hoạt động của Interpol tập trung chủ yếu vào an toàn công cộng, tội phạm điện tử, buôn bán ma túy, tội phạm môi trường, diệt chủng, buôn người, tội phạm có tổ chức, tội phạm sở hữu trí tuệ, rửa tiền, tham nhũng, khủng bố, tội phạm chiến tranh, buôn lậu vũ khí và tội phạm phi bạo lực. 

Được tập hợp từ nhiều cơ quan cảnh sát của các quốc gia trên thế giới song Interpol không có quyền lực thực tế. Tổ chức này hoạt động theo tinh thần phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động chống tội phạm, vì thế Interpol không có thẩm quyền buộc một quốc gia thực hiện yêu cầu của tổ chức. Nhân viên của Interpol cũng không có thẩm quyền bắt giữ tội phạm.

Hoạt động của Interpol gói gọn trong sứ mệnh được ghi nhận chính thức của tổ chức: “Kết nối lực lượng cảnh sát cho một thế giới tốt đẹp hơn”. Điều này có nghĩa Interpol là tổ chức quốc tế đóng vai trò làm cầu nối về thông tin liên lạc hành chính giữa cơ quan thực thi pháp luật của các quốc gia thành viên.

7 loại thông báo chính của Interpol. Ảnh: VnExpress.

7 loại thông báo chính của Interpol.

Tuy vậy, không có nghĩa là tổ chức này không phát huy được tính hiệu quả trong hoạt động chống tội phạm quốc tế. Giữa các quốc gia thường có khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và cách vận hành tổ chức. Chính vì thế, sự tồn tại của Interpol có ý nghĩa thiết thực trong hoạt động chống tội phạm quốc tế của các cơ quan thực thi pháp luật trên thế giới, tạo điều kiện để các cơ quan tại nhiều quốc gia có thể sát cánh cùng nhau.

Hoạt động của Interpol đặt ra nhu cầu phân loại và hệ thống hóa thông báo tới từ các quốc gia thành viên. Interpol chia thông báo ra làm 7 loại và tùy theo chức năng được đánh dấu bằng màu đỏ, xanh lam, xanh lục, vàng, đen, da cam và tím. Còn một loại thông báo chuyên biệt nữa sẽ chỉ được phát đi theo yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Loại thông báo nhiều người biết tới nhất và cũng được phát đi nhiều nhất là “Thông báo Đỏ”, có hiệu lực gần tương đương một lệnh bắt giữ quốc tế. Đương nhiên, không quốc gia nào bị buộc phải truy nã một đối tượng căn cứ vào thông báo đỏ. Thông báo đỏ chỉ thể hiện thông tin rằng đối tượng tội phạm được nêu trong thông báo đã bị kết tội và truy nã bởi quốc gia gửi thông báo.

Các mã màu thông báo khác cũng có chức năng riêng. Màu lam thể hiện yêu cầu các nước thành viên cung cấp thêm thông tin về tội phạm đang được điều tra; màu lục cảnh báo về tội phạm nguy hiểm có khả năng phạm tội khi thâm nhập các nước thành viên.

Màu vàng dùng để tìm kiếm người mất tích hoặc yêu cầu hỗ trợ xác định danh tính của người không tự xác định được danh tính bản thân; màu đen yêu cầu hỗ trợ xác định danh tính người chết.

Màu da cam cảnh báo về hoạt động và đường di chuyển của khủng bố. Cuối cùng, màu tím có mục đích yêu cầu hỗ trợ trong việc tìm kiếm thông tin về cách thức, hoạt động, mục tiêu của tội phạm.

Theo thống kê năm 2013, đã có 52.880 thông báo đang được lưu hành ở Interpol, trong đó bao gồm gần 9.000 thông báo đỏ, khoảng 1.900 thông báo vàng, 1.700 thông báo xanh lam và 1.000 thông báo xanh lục. Số lượng các loại thông báo còn lại khoảng 100.

Đọc thêm