Ra tù bao lâu mới được xóa án tích?

(PLO) - Bộ luật Hình sự quy định chế định xóa án tích (người được xóa án tích coi như chưa bị kết án) nhằm “giải thoát” cho người đã chấp hành xong hình phạt khỏi những hậu quả pháp lý kéo dài. Tuy nhiên, một số người đã không quan tâm đến thủ tục này, làm ảnh hưởng đến chính quyền lợi bản thân họ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Án tích là việc người đã bị kết án và thi hành hình phạt mà chưa được xóa án. Xóa án tích là sự thừa nhận về mặt pháp lý người bị kết án không còn mang án tích và vì vậy không còn chịu hậu quả nào do việc kết án mang lại. Khi đã được xóa án tích, mọi giấy tờ về căn cứ, lý lịch của người từng bị kết án đều được ghi “chưa can án”, hoặc “tiền án: không”.

Năm 2005, D. T. Miền (huyện Gò Quao – Kiên Giang) phạm tội trộm cắp tài sản,  bị TAND thành phố Rạch Giá xử 9 tháng tù và phải chịu án phí hình sự sơ thẩm 50.000 đồng, tài sản thì đã được thu hồi trả cho người bị hại. Sau thời gian thụ án, Miền được người quen giới thiệu làm nghề ngư phủ và định cư ở huyện Phú Quốc.

Năm 2015, lợi dụng sơ hở của chủ tàu đánh cá, Miền rủ bạn cùng làm việc trên tàu trộm cắp nhiều tài sản của chủ bán lấy tiền. Sau khi bị phát giác, Miền bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự (BLHS) với mức án 12 tháng tù và bồi thường cho người bị hại 2,8 triệu đồng và nộp án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng.

Trong vụ án trộm cắp tài sản lần 1, Miền đã không nhận thấy được nghĩa vụ và quyền lợi của mình nên mặc dù đã ra tù gần 10 năm nhưng chưa nộp án phí 50.000 đồng nên chưa được xóa án tích. Đáng lẽ trong lần phạm tội năm 2015 này, Miền có thể được hưởng mức án nhẹ hơn nếu như đã chấp hành xong bản án trước với cả phần án phí 50.000 đồng.

Bởi, theo quy định tại Điều 64 BLHS “đương nhiên được xoá án tích”- trường hợp người bị kết án mặc nhiên được coi như chưa bị can án mà không cần có sự xem xét, quyết định của Tòa án  thì “người bị kết án không phải về các tội xâm phạm đến an ninh quốc gia hoặc về tội phạm chống phá hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau: 

Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo; 

Ba năm trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm; 

Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến 15 năm; 

Bảy năm trong trường hợp hình phạt là tù trên 15 năm”.

Khoản 1 Điều 67 BLHS quy định thời hạn để xóa án tích căn cứ hình phạt chính đã tuyên. Khoản 3 Điều này quy định việc chấp hành xong bản án bao gồm việc chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án.

Như vậy, ngoài việc chấp hành hình phạt chính, người bị kết án còn phải chủ động tự giác chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung và các quyết định khác trong bản án. Đây vừa là nghĩa vụ nhưng đồng thời cũng là quyền lợi bởi nếu họ không chấp hành thì sẽ không được xem xét để xóa án tích bất luận vì lý do gì.

Để việc xóa án tích được áp dụng thống nhất, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã có Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/08/2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của BLHS năm 1999. Theo hướng dẫn tại điểm b mục 11 của Nghị quyết này thì thời hạn để xoá án tích được căn cứ hình phạt chính đã tuyên, mà không căn cứ hình phạt bổ sung. Thời hạn đó bắt đầu được tính kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án, chứ không phải bắt đầu được tính kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính. 

Đọc thêm