Rắc rối xử lý vi phạm hành chính với người có 2 quốc tịch

(PLO) - Mỗi quốc gia độc lập và có chủ quyền đều có hệ thống luật pháp riêng của mình, bao gồm cả pháp luật hành chính. Do sự khác nhau về thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa, phong tục, tôn giáo và trình độ phát triển kinh tế - xã hội mà đối với cùng một hành vi vi phạm, mỗi quốc gia có sự đánh giá mức độ nguy hiểm, hình phạt khác nhau. Riêng trong lĩnh vực pháp luật hành chính, người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam. 
Nhóm người nước ngoài vi phạm bị trục xuất khỏi Việt Nam. Ảnh T.Q
Nhóm người nước ngoài vi phạm bị trục xuất khỏi Việt Nam. Ảnh T.Q

TP HCM bỏ ra hàng chục tỷ đồng để trục xuất

Đây là hình thức xử phạt áp dụng với người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam theo quy định tại Điều 27 Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) hiện hành. Cụ thể, quy định này có Nghị định 112/2013/NĐ-CP về áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Ngoài mục đích trừng phạt, răn đe người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam, quy định này còn ngăn ngừa khả năng tiếp tục vi phạm pháp luật của người nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam. 

Những tưởng quy định như trên là đã rõ ràng nhưng rắc rối lại nảy sinh ở bộ phận người có 2 quốc tịch, trong khi các biện pháp xử lý hành chính (BPXLHC) thì không áp dụng với người nước ngoài. Thực tế một vài năm gần đây cho thấy, tình trạng một bộ phận người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam (hợp pháp hoặc bất hợp pháp) vi phạm pháp luật, đặc biệt hoạt động tội phạm cũng khá phức tạp, nhất là lĩnh vực tội phạm ma túy. Khi vào Việt Nam để có điều kiện thuận lợi thì họ lấy quốc tịch Việt Nam, nhưng nếu vi phạm pháp luật thì lại lấy quốc tịch nước ngoài. 

Không những thế, tình trạng người gốc Phi nhập cảnh và sinh sống tại Việt Nam gây ra nhiều bức xúc trong xã hội, có thời điểm đã được báo chí phản ánh rất nhiều. Theo một con số thống kê của Công an TPHCM vào năm ngoái, mỗi tháng có trên dưới 1.000 người châu Phi ra vào TPHCM. Tuy nhiên, khoảng 30% nhập cảnh, lưu trú bất hợp pháp, những người này vào TP HCM bằng đường du lịch, kinh doanh, lao động, sau đó giấy tờ hết hạn nhưng không gia hạn. Trong thời gian qua, thành phố bỏ ra hàng chục tỉ đồng để thực hiện việc buộc trục xuất đối với người gốc Phi (chủ yếu là người Nigeria) lưu trú bất hợp pháp trên địa bàn.

Vẫn phải trên nguyên tắc có lợi

Để giải quyết thực trạng trên, Nghị quyết 04/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hướng dẫn về việc áp dụng BPXLHC (đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) đối với người vừa có quốc tịch Việt Nam, vừa có quốc tịch nước ngoài. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng, nhiều chuyên gia cho biết vẫn cần phân biệt cụ thể trong 4 trường hợp để xác định đối tượng bị đề nghị áp dụng BPXLHC. Một là, trường hợp người vừa có quốc tịch Việt Nam, vừa có quốc tịch nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam bằng giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp như hộ chiếu, hộ chiếu thuyền viên, giấy thông hành biên giới, giấy thông hành hồi hương… Những người sử dụng các giấy tờ nói trên là công dân Việt Nam được nhập cảnh Việt Nam không cần thị thực, nếu thuộc trường hợp quy định tại các Điều 92, 94 và 96 của Luật XLVPHC thì người đó thuộc đối tượng bị áp dụng BPXLHC.

Hai là, trường hợp người từ đủ 16 tuổi trở lên vừa có quốc tịch Việt Nam, vừa có quốc tịch nước ngoài (do pháp luật của Việt Nam có quy định về độ tuổi của trẻ em là người dưới 16 tuổi – Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016) và trẻ em có cha mẹ là công dân Việt Nam được sinh ra ở nước ngoài và đã có quốc tịch nước ngoài theo nguyên tắc nơi sinh, đồng thời đăng ký khai sinh ở Việt Nam và có quốc tịch Việt Nam, những người này cư trú trong lãnh thổ Việt Nam cho đến thời điểm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thuộc trường hợp quy định tại các Điều 92, 94 và 96 của Luật XLVPHC thì pháp luật được áp dụng đối với những người này được xác định theo nguyên tắc là pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và có mối liên hệ gắn bó nhất. Bởi vậy, trong trường hợp này, người đó thuộc đối tượng bị áp dụng BPXLHC.

Còn trường hợp người vừa có quốc tịch Việt Nam, vừa có quốc tịch nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp thì người đó là người nước ngoài và theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật XLVPHC, người đó không thuộc đối tượng bị áp dụng BPXLHC. Cuối cùng là, trường hợp trẻ em có cha mẹ là công dân Việt Nam được sinh ở nước ngoài và đã có quốc tịch nước ngoài theo nguyên tắc nơi sinh, đồng thời đăng ký khai sinh ở Việt Nam và có quốc tịch Việt Nam, có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú ở trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, trong trường hợp này pháp luật chưa có quy định cụ thể nên áp dụng theo nguyên tắc có lợi cho đương sự thì xác định người này là người nước ngoài nên không thuộc đối tượng bị áp dụng BPXLHC. 

Đọc thêm