Rải đinh trên cầu Tân Vũ - Lạch Huyện: Hủy hoại tài sản hay cản trở giao thông?

(PLO) - Hành vi rải đinh trên đường khiến người tham gia giao thông bức xúc, lo ngại vì hết sức nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của họ. Tuy nhiên, để xác định tội danh đối với những đối tượng rải đinh như trên thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau vì cần xác định được hậu quả cụ thể của hành vi thì mới có cơ sở định tội.
Một người tình nguyện kéo xe có gắn nam châm để dọn đinh trên quốc lộ nhằm chống nạn “đinh tặc”
Một người tình nguyện kéo xe có gắn nam châm để dọn đinh trên quốc lộ nhằm chống nạn “đinh tặc”

Rải đinh để kiếm lợi từ việc sửa xe

Ngày 21/12/2018, Công an Hải Phòng cho biết đã điều tra, xác định được Lê Trung Hiếu (SN 998, ở thôn Minh Hồng, xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải) là nghi phạm rải đinh trên cầu Tân Vũ - Lạch Huyện (cầu vượt biển Tân Vũ - Cát Hải). Hiếu nghiện ma túy, mở hiệu sửa chữa xe máy tại nhà, ngay chân cầu. Tại CQĐT, Hiếu khai nhận bố mình làm nghề xây dựng nên trong nhà thường có nhiều loại đinh cũ và mới (dùng làm cốp pha). Hiếu nảy sinh ý đồ rải đinh nhằm xịt lốp xe qua cầu để chủ xe thành khách hàng của mình. 

Nhiều xe máy thành nạn nhân của Hiếu, phải đến hiệu sửa xe của Hiếu vá xăm với giá 20.000 đồng/miếng hoặc thay săm với giá 90.000 đồng/cái.

Hành vi rải đinh trên của Hiếu khiến nhiều người tham gia giao thông bức xúc, lo ngại vì hết sức nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của họ. Họ đề nghị xử lý nghiêm để răn đe những trường hợp khác. Tuy nhiên, để xác định tội danh của Hiếu hiện cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. 

Có dấu hiệu tội cản trở giao thông đường bộ

Luật sư (LS)Từ Tiến Đạt (Đoàn Luật sư TPHCM) cho hay, hành vi của Lê Trung Hiếu có dấu hiệu của tội cản trở giao thông đường bộ (GTĐB) theo Điều 261, BLHS năm 2015. Theo qui định, người nào đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở GTĐB … gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:  Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng… 

Ngoài ra, theo qui định cản trở GTĐB  trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả… nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.

Ở đây, Hiếu đã có hành vi rải vật nhọn gây cản trở GTĐB, có dấu hiệu ban đầu của tội danh này. Hành vi phạm tội nêu trên phải gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng chưa xác định được hậu quả, thiệt hại cụ thể nên chưa thể xác định mức độ nguy hiểm của hành vi để xác định tội danh .

Trong khi đó, LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) thì cho rằng Điều luật trên còn quy định chung chung, chưa cụ thể khiến cơ quan chức năng khó xử lý. “Trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả… được hiểu như thế nào thì chưa có quy định cụ thể”- LS Hiệp nói.

Trường hợp của Hiếu, rải đinh trên cầu vượt biển thì phải xem xét tốc độ tối đa cho phép của các phương tiện lưu thông trên cầu nếu cán phải đinh có xảy ra tai nạn gây ra hậu quả hay không? Ví dụ, cây cầu – nơi Hiếu rải đinh có quy định cho xe máy chạy tốc độ tối đa là 60km/h. Vậy với tốc độ này, nếu cán phải đinh có làm nạn nhân mất lái gây ra tai nạn hay không? Thực tế chưa có quy định và khó chứng minh được.

LS Hiệp cho rằng với hậu quả mà Hiếu gây ra là các phương tiện xe máy bị thủng lốp và phải vào tiệm của Hiếu vá (20.000 đồng/miếng) hoặc , thay ruột (90.000 đồng/chiếc) thì xử lý hình sự Hiếu là điều rất khiên cưỡng.

Đồng quan điểm, LS Nguyễn Khánh Trang (Đoàn LS tỉnh Sóc Trăng) nói rằng chưa thể xử lý hình sự được đối với Hiếu vì  cần phải có hậu quả. Dù Điều 261, BLHS năm 2015 có quy định về tội phạm liên quan đến “đinh tặc” nhưng rất khó áp dụng vì hành vi của Hiếu chưa gây ra hậu quả, thiệt hại lại quá thấp... 

Có hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản?

Nhiều ý kiến khác thì cho rằng hành vi của Hiếu cũng có dấu hiệu của tội “Hủy hoại hoặc “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178 BLHS năm 2015. 

LS Lê Ngọc Cảnh (Đoàn LS TP HCM) cho hay tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” gồm hai hành vi phạm tội độc lập. Theo đó, người phạm tội có hành vi tác động vào tài sản thuộc sở hữu của người khác, làm cho tài sản đó bị mất giá trị sử dụng (hủy hoại tài sản) hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản (làm hư hỏng tài sản) với giá trị thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp được luật hình sự quy định.

Cụ thể với tài sản bị xâm hại có giá trị dưới 2 triệu đồng mà hành vi đó làm ảnh hưởng xấu đến an ninh - trật tự, an toàn công cộng, làm náo động một địa bàn nhất định, gây xáo trộn cuộc sống bình thường của người dân, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân thì người vi phạm sẽ bị xử lý. Ngoài ra, hành vi đó làm hủy hoại hoặc làm hư hỏng phương tiện kiếm sống, mưu sinh chính của người bị hại mà nếu mất đi tài sản đó thì người bị hại và gia đình sẽ bị lâm vào tình trạng khó khăn… thì chủ thể thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, cụ thể hậu quả như thế nào, ở mức độ nào thì được coi là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội (nhất là về phía cơ quan quản lý cầu đường) thì còn phải được cơ quan chức năng xác định cụ thể thì mới có cơ sở để xử lý người vi phạm.

Ngoài ra, nếu xác định được Hiếu đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này (tức các hành vi hủy hoại, làm hư hỏng tài sản) hoặc bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì người có hành vi nêu trên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm nói trên. 

Có thể xử lý hành chính

Điều 11 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP  ngày 26/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB và đường sắt có quy định: Xử phạt các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ; chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông;

b) Xâm phạm sức khỏe, tài sản của người bị nạn hoặc người gây tai nạn;

c) Lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông.

Đọc thêm