Sẽ thí điểm luật sư trực ban trợ giúp pháp lý

(PLO) - Sáng qua (21/7), Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về Đề án thí điểm LS trực ban thực hiện trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hình sự (Đề án LS trực ban) nhằm đánh giá những thuận lợi, khó khăn khi Đề án được thực hiện thí điểm trong 2 năm từ tháng 10/2017 đến tháng 10/2019.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo LS Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam, thế giới hiện có nhiều biện pháp để hỗ trợ pháp lý ban đầu cho người bị bắt giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vì hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Một trong số những biện pháp được cho là hữu ích và có thể áp dụng là chế độ LS trực ban hiện đang được thực hiện ở một số nước mà điển hình là Anh và Nhật Bản. Mô hình LS trực ban ở Việt Nam được học tập và áp dụng trong bối cảnh nước ta triển khai thực hiện Hiến pháp 2013 và Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan.

LS trực ban là một hoạt động tự nguyện của LS tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho những đối tượng là người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo khi họ có nguy cơ bị buộc tội và có thể phải chịu chế tài của luật hình sự mà chưa có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc LS bào chữa cho họ. Mục đích chính của LS trực ban là giúp cho những người bị buộc tội biết được quyền và nghĩa vụ của họ trong các giai đoạn tố tụng hình sự cũng như biết được về quyền, nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng, quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng có liên quan. Việc trợ giúp pháp lý này cũng là một biện pháp nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng nêu trên, giúp họ hiểu biết và thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Từ đó, giúp họ có thể tự bảo vệ cho mình để bảo đảm các quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, LS trực ban còn hỗ trợ cho cơ quan tiến hành tố tụng triển khai các hoạt động tố tụng theo đúng chức năng, thẩm quyền được pháp luật quy định.

Theo LS Trần Hoàng Lâm, Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Thanh Hóa, hiện nay số lượng LS phân bổ ở các Đoàn LS không đồng đều, chế độ LS trực ban lại chưa bắt buộc thực hiện nên có thể không phải LS nào cũng tự nguyện đăng ký tham gia. LS Lâm cũng nêu lên trường hợp có thể phát sinh trong thực tế như lợi dụng việc thực hiện LS trực ban để lôi kéo, hứa hẹn người bị buộc tội ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với LS để LS tham gia bào chữa thì sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa tốt đẹp của chế độ LS trực ban và gây ảnh hưởng đến sự nhìn nhận của cơ quan tiến hành tố tụng. 

Còn LS Hoàng Đạt, Đoàn LS TP Hà Nội cho rằng, đây là chế độ mới, chưa từng được thực hiện ở Việt Nam trước đây và chưa được truyền thông đầy đủ đến đội ngũ LS nên nhận thức và hiểu biết của một số LS về LS trực ban để vận dụng đúng, phù hợp các quy định pháp luật hiện hành còn chưa đầy đủ. Mặt khác, cũng chưa có quy định của pháp luật cụ thể về chế độ LS trực ban mà Luật LS mới quy định về nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của LS.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn trên thì với sự phát triển ngày càng nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng cùng với sự thống nhất, tinh thần, trách nhiệm của các LS, sự đồng thuận, hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền, việc triển khai Đề án LS trực ban là phù hợp với bối cảnh hiện tại, góp phần bảo đảm hơn nữa quyền được tư vấn, trợ giúp pháp lý của người bị buộc tội để quá trình điều tra, truy tố xét xử đúng pháp luật.

Đọc thêm