Số điện thoại có phải là tài sản cá nhân?

(PLO) - Tôi có được phép mua bán số điện thoại và nếu giao dịch thành công với số tiền lớn có phải nộp thuế không? (Tiến Hùng)
 Số điện thoại có phải là tài sản cá nhân?

Theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, tài sản công bao gồm các loại tài sản sau: “Đất đai; tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, tài nguyên Internet, phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và các tài nguyên khác do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, kho số viễn thông cũng được coi là một trong các loại tài sản công do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Chủ số điện thoại đó chỉ có quyền sử dụng. Do vậy, bạn chỉ có thể mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng số điện thoại của mình.

Số điện thoại không phải là tài sản cá nhân còn thể hiện trong một số trường hợp, khi người sử dụng số điện thoại không đáp ứng các quy định của nhà mạng (ví dụ không thanh toán cước điện thoại trong thời gian quy định hoặc sử dụng số điện thoại vào việc phát tán tin rác, vi phạm các quy định về sử dụng mạng viễn thông…) thì có thể bị nhà mạng thu hồi lại số điện thoại đó để cấp cho người khác.

Theo quy định tại vào Điều 2 Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-BTC ngày 14/03/2016 của Bộ Tài chính quy định về các khoản thu nhập chịu thuế thì thu nhập có từ việc mua bán số điện thoại –về nguyên tắc - đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên trên thực tế, việc thu thuế thu nhập cá nhân đối với những giao dịch mua bán số điện thoại không thuộc trường hợp kinh doanh rất khó kiểm soát để đánh thuế đối với người chuyển nhượng.

Đọc thêm