Sử dụng xe đạp điện, xe máy điện: Cần có bằng lái để đảm bảo an toàn giao thông

(PLO) -Với xu thế năng lượng hóa thạch sắp cạn kiệt và ô nhiễm môi trường tăng cao, các phương tiện giao thông chạy bằng điện sẽ dần chiếm ưu thế. Tuy nhiên, thời gian gần đây ở Việt Nam, thống kê cho thấy, các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ xe chạy điện (xe chạy điện) không hề ít. Từ thực tế này, cơ quan quản lý đang tính đến việc yêu cầu người sử dụng xe chạy điện phải có chứng chỉ, bằng lái.
Cần tổ chức chương trình dạy và sát hạch kỹ năng điều khiển xe chạy điện cho học sinh THPT.
Cần tổ chức chương trình dạy và sát hạch kỹ năng điều khiển xe chạy điện cho học sinh THPT.

Tại Hội thảo nghiên cứu “Xu hướng di chuyển bằng xe điện tại Việt Nam” diễn ra mới đây, trình bày quan điểm về xu hướng tất yếu của phương tiện giao thông chạy bằng điện, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng năng lượng điện cho xe tải trên đường cao tốc.

Còn ở Việt Nam, muốn vậy cần thiết phải có nghiên cứu về lợi ích của xe chạy điện và đưa ra được mô hình hệ sinh thái xe chạy ở Việt Nam, chỉ ra quy định pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cần quan tâm điều chỉnh để có những bước thể chế hóa tiếp theo. 

Nguyên nhân của 55% các vụ TNGT với học sinh THPT 

Bên cạnh những lợi ích của việc sử dụng phương tiện chạy điện ở Việt Nam, các nhà quản lý vẫn thường trực một nỗi lo tai nạn giao thông (TNGT) do xe chạy điện gây ra. Năm 2017, kết quả của “Nghiên cứu về tình hình tham gia giao thông của học sinh trung học phổ thông (THPT) tại Hà Nội và đề xuất giải pháp cải thiện” được công bố cho thấy, phần lớn học sinh THPT lựa chọn xe chạy điện là phương tiện di chuyển thông dụng, với tỉ lệ lên tới 52%.

Sự thay đổi từ phương tiện đi bộ và xe đạp sang xe chạy điện – loại phương tiện có vận tốc tương đối lớn (25-50km/h) có thể lý giải tại sao học sinh THPT lại chiếm tới 90% các vụ TNGT của trẻ em. Bên cạnh vấn đề vi phạm tốc độ, học sinh THPT còn đang vi phạm những quy định cơ bản khi tham gia giao thông: 81% xe máy điện không có gương chiếu hậu và với xe đạp điện là 90%. Tất cả các nguyên nhân này đang dẫn tới những con số đáng báo động về tình trạng TNGT ở đối tượng học sinh. 

Cụ thể, tỷ lệ TNGT (vụ/học sinh) của nhóm tự đi xe chạy điện là cao nhất – khoảng 0,5 vụ/học sinh. Nghĩa là cứ 2 học sinh thì có 1 học sinh có xảy ra TNGT liên quan tới xe chạy điện, tương đương với con số 55% các vụ TNGT xảy ra với học sinh THPT là do xe chạy điện. “Điều đó cho thấy xe chạy điện là phương tiện mất an toàn đối với học sinh THPT, đòi hỏi phải được hướng dẫn, xử lý vi phạm và quản lý chặt chẽ nhiều hơn nữa” – kết quả nghiên cứu nhấn mạnh.

Cần quy định độ tuổi thấp nhất được điều khiển xe chạy điện

Chính vì thế, ông Trần Hữu Minh - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đã kiến nghị Nhà nước cần hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn xe máy điện vì hiện nay ranh giới giữa xe máy điện và xe đạp điện chưa rõ ràng.

Xe máy điện có công suất ngang xe cơ giới nên cần phải có bằng lái quy định ngang nhau. Quan điểm tương tự ông Minh cũng đã từng được “Nghiên cứu về tình hình tham gia giao thông của học sinh THPT tại Hà Nội và đề xuất giải pháp cải thiện”  đề cập tới. 

Theo đó, qua quá trình rà soát các văn bản pháp luật, các quy chuẩn và tiêu chuẩn có thể thấy một số vấn đề nổi cộm như: trong Luật Giao thông đường bộ chưa có quy định cụ thể về độ tuổi thấp nhất được điều khiển các loại xe chạy điện.

Hiện nay, không chỉ học sinh THPT mà ngay cả học sinh THCS (11 – 15 tuổi) cũng đã sử dụng xe chạy điện tham gia giao thông. Dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đề xuất độ tuổi được phép điều khiển xe chạy điện là từ 16 tuổi trở lên. 

Thêm vào đó, luật cũng chưa có quy định về việc người điều khiển xe chạy điện phải có chứng chỉ pháp luật giao thông đường bộ và chứng chỉ kỹ năng lái xe an toàn. Kết quả điều tra phỏng vấn cho thấy, có tới 68% giáo viên và 89% phụ huynh học sinh THPT ủng hộ việc thực hiện cấp chứng chỉ ATGT đối với học sinh đi xe chạy điện.

Hiện nay tại trường học, qua các cấp học, học sinh THPT vẫn chủ yếu được dạy về Luật Giao thông đường bộ và biển báo hiệu đường bộ. Còn kỹ năng điều khiển phương tiện thì chủ yếu học từ cha mẹ, bạn bè là chính.

Vì vậy, Uỷ ban ATGT Quốc gia đề xuất yêu cầu học sinh đi xe chạy điện cần phải có chứng chỉ ATGT để đảm bảo năng lực cần thiết để tham gia giao thông an toàn; kiến nghị UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ cho Sở GD&ĐT chủ trì và phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức chương trình dạy và sát hạch kỹ năng điều khiển xe chạy điện cho học sinh THPT; chủ trì phối hợp Bộ GTVT xây dựng quy định về đào tạo kỹ năng lái xe chạy điện và cấp chứng chỉ ATGT cho học sinh.

Dự án nghiên cứu về xe chạy điện đang được nhóm nghiên cứu của Đại học Giao thông vận tải tiến hành và kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển đến các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Đăng kiểm Việt Nam, Vụ Môi trường (Bộ GTVT), Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy… để có bức tranh tổng thể về thực trạng, thị phần xe chạy điện và xu hướng phát triển trong tương lai, cũng như những thách thức phải đối mặt, để từ đó có biện pháp và khung chính sách nhằm đưa loại phương tiện thân thiện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường này vào sử dụng dần thay thế các phương tiện sử dụng nguyên liệu hóa thạch hiện nay.

Đọc thêm