Sửa đổi Luật Đầu tư và luật doanh nghiệp: Sẽ cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

(PLVN) - Hôm qua (17/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Đáng chú ý, ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” được dự luật đưa vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu.

Bảo đảm quyền tự do, bình đẳng trong đầu tư kinh doanh

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết: Luật sửa đổi lần này hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Đồng thời hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

Liên quan đến nhóm các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, Dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

Cụ thể, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về hình thức áp dụng, nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo hướng tiếp tục khẳng định nguyên tắc: Bộ, cơ quan ngang Bộ, HĐND và UBND các cấp không được ban hành các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, nhưng áp dụng cơ chế linh hoạt, phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền quy định thủ tục hành chính. Các cơ quan này chỉ có thể ban hành văn bản quy định về thủ tục hành chính để thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh trong trường hợp được giao trong luật.

Dự thảo cũng bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.

Đặc biệt, ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” được dự luật đưa vào vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư và tiếp tục cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy và tiền chất; các hóa chất, khoáng vật và động, thực vật hoang dã bị cấm theo các công ước quốc tế, nhưng bãi bỏ các Phụ lục 1, 2 và 3 của Luật Đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thực tiễn thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm này cũng như yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật Đầu tư).

Cắt giảm thủ tục, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Thẩm tra Tờ trình, thay mặt Ủy ban Kinh tế (UBKT), Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh nêu rõ, UBKT nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng hợp tác đầu tư nước ngoài, bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế trong hoạt động đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế; góp phần thúc đẩy sự thành lập, phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: “Luật không phải sửa đổi một số điều mà sửa rất nhiều điều, trong đó có nhiều chính sách rất mới. Ban soạn thảo đã rà soát, tổng kết đánh giá tác động của những quy định mới để thấy ưu việt so với luật hiện hành chưa?

Nhất là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả? Đề nghị nên tách thành 2 luật sửa đổi (dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)- PV) chứ không nên để 1 luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu thì cho rằng, đây là luật lồng ghép nhưng không thể thực thi vì doanh nghiệp và đầu tư phải tách riêng. Theo ông Giàu, luật mới ban hành năm 2015, trong khi năm 2017 và 2018 nền kinh tế của đất nước tăng trưởng khá. Năm 2017 được gọi là kỳ tích, còn năm 2018 là tăng trưởng cao nhất trong 11 năm qua, vậy cơ sở nào đánh giá chưa đạt nên phải sửa đổi luật?

“Luật phải có thời gian thực hiện để đánh giá toàn xã hội, có độ trễ. Nếu cảm nhận quá trình hội nhập sâu rộng, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế buộc phải sửa đổi thì cần lựa chọn một số điều cần thiết để sửa đổi, còn nếu sửa đổi toàn diện thì phải tách ra làm 2 luật”- ông Giàu cho hay. Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị nên tách thành 2 luật riêng để sửa đổi cho toàn diện.   

Đọc thêm