Sửa luật để thoát thế 'độc đạo' cho đình công?

(PLO) - Trong giải quyết tranh chấp lao động, đình công không nên là vũ khí đầu tiên mà phải là vũ khí cuối cùng, nhưng khi cần sử dụng vũ khí cuối cùng này thì người lao động có thể tiến hành được một cách hợp pháp – đó là một trong những quan điểm để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động lần này. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều cuộc đình công mang tính tự phát

Có 5 nội dung sửa đổi, bổ sung chính đó là sửa đổi khái niệm tranh chấp lao động; sửa đổi các quy định về giải quyết tranh chấp lao động từ các thủ tục bắt buộc được thực hiện theo tuần tự các bước sang mô hình chủ yếu là tự nguyện và tự chọn bởi các bên tranh chấp; mở rộng phạm vi áp dụng và thẩm quyền của trọng tài lao động; sửa đổi tổ chức, hoạt động của Hội đồng Trọng tài trên cơ sở bảo đảm không tăng biên chế, không phát sinh tổ chức; vấn đề quyền đình công của người lao động.

Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, diễn ra tại Hà Nội ngày 21/7/2017 một con số được đưa ra đó là tính từ năm 2008 đến tháng 9 năm 2017 đã có 131 cuộc tranh chấp lao động tập thể xảy ra tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó có 37 cuộc được hướng dẫn thương lượng không xảy ra đình công, còn lại 94 cuộc đã dẫn đến đình công.

Quy mô mỗi cuộc đình công thường diễn ra trong khoảng từ 3 đến 4 ngày, cá biệt có đơn vị kéo dài tới 9 ngày (Công ty TNHH Endo Stainless – Khu công nghiệp Nội Bài với khoảng 15.000 người tham gia).

Trung bình mỗi cuộc đình công có khoảng 300 người tham gia, trong đó doanh nghiệp có số lao động đình công thấp nhất là 50 lao động, doanh nghiệp có số lượng người tham gia đình công đông nhất là 3.000 lao động). Nhìn chung, các cuộc đình công đều mang tính tự phát.

Theo phân tích, có một số nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp lao động và đình công. Đơn cử như ở góc độ quản lý nhà nước (tình hình giá cả tăng cao liên tục, mức thu nhập của người lao động không đảm bảo đời sống, đặc biệt là đối với người lao động làm việc trong các khu công nghiệp và chế xuất); ở góc độ người sử dụng lao động (doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc việc xây dựng, đăng ký thang lương, bảng lương dẫn đến việc chưa công khai, dân chủ trong việc thực hiện tính tiền lương, trả lương, nâng lương cho người lao động nên đã gây ra bức xúc đối với người lao động); ở góc độ người lao động (bức xúc về điều kiện làm việc, ăn ở, lương thưởng trong khi sự hiểu biết và ý thức tôn trọng pháp luật của công nhân còn rất hạn chế, nên khó giải thích và thương lượng); ở góc độ công đoàn (đa số cán bộ công đoàn tại các doanh nghiệp đều là kiêm nhiệm và chịu sự ràng buộc vào hợp đồng lao động với người sử dụng lao động nên khó khăn trong việc bảo vệ người lao động)...

Đưa ra giải pháp giảm thiểu đình công trong gần 5 năm (2013, 2014, 2015, 2016, 09 tháng năm 2017), Sở LĐTB&XH đã trình thành phố bổ nhiệm 114 hòa giải viên thuộc 30 quận, huyện, thị xã để hòa giải các tranh chấp phát sinh tại các quận huyện, góp phần giảm thiểu các cuộc đình công không đúng quy định của pháp luật và kiến nghị một số giải pháp như tiếp tục chỉ đạo Tổ công tác liên ngành giải quyết các vụ đình công không đúng trình tự thủ tục; phát huy vai trò Hội đồng trọng tài lao động thành phố thực hiện tốt chức năng hoà giải các vụ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và các vụ tranh chấp lao động tập thể tại các doanh nghiệp không được đình công...

“Con đường độc đạo” dài và khó khăn

Như vậy có thể thấy vấn đề nổi cộm hiện nay không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của rất nhiều tỉnh, thành địa phương khác đó là vấn đề tính chất của các cuộc đình công: hầu hết mang tính tự phát và không đúng quy định của pháp luật. Theo các chuyên gia về pháp luật lao động thì sở dĩ người lao động đình công tự phát để giải quyết vấn đề của mình một phần là do sự bất cập của pháp luật.

Chính vì thế nhóm vấn đề “Tranh chấp lao động – đình công” là nhóm vấn đề đã dành được nhiều sự quan tâm tại hội thảo xác định những nội dung lớn về Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 21/6. Trình bày về những sửa đổi, bổ sung lớn về quan hệ lao động – quan điểm, định hướng và một số vấn đề tiếp tục thảo luận, xin ý kiến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hà Đình Bốn đưa ra nhận định: Quy trình giải quyết tranh chấp lao động – đình công hiện hành được thiết kế bao gồm nhiều bước bắt buộc theo trình tự, không qua được bước này thì không được đi bước tiếp theo. “Quy trình này được một số ý kiến ví như “con đường độc đạo” và là con đường dài, khó khăn. Kết quả là hơn 20 năm qua, các bên quan hệ lao động đã không thể đi được trên con đường đó và họ đã tự tìm đường cho mình là “đình công tự phát” để giải quyết vấn đề của mình”, theo ông Bốn. 

Bên cạnh đó vẫn biết rằng trọng tài lao động và phương thức giải quyết tranh chấp quan trọng, được sử dụng phổ biến ở hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài lao động của Việt Nam chưa được sử dụng trong suốt hơn 20 năm qua vì nguyên nhân các quy định về trọng tài lao động còn nhiều bất cập về thẩm quyền, phạm vi áp dụng và phương thức hoạt động. “Những bất cập trên dẫn đến thực tiễn trong suốt những năm qua là các quy định về giải quyết tranh chấp lao động tập thể hầu như không được sử dụng, chưa có cuộc tranh chấp, đình công nào đúng quy định pháp luật. Điều đáng quan tâm là nó luôn đặt các bên quan hệ lao động (kể cả nhà nước) vào tình trạng không tuân theo được các quy định của pháp luật”, ông Bốn phân tích.

Chính vì thế, trong lần sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động này (dự kiến trình Quốc hội xem xét và thông qua trong năm 2019), quan điểm của Bộ LĐTB&XH là sửa đổi các quy định về giải quyết tranh chấp theo kiểu “con đường độc đạo” theo hướng mở rộng các cơ hội cho các bên tranh chấp có nhiều lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau mà các bên cho rằng phù hợp để giải quyết tranh chấp của họ. Với vấn đề trọng tài sẽ quy định về thẩm quyền thực chất nhằm biến trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp lao động quan trọng. Bên cạnh đó, bổ sung các quy định giải quyết những loại tranh chấp lao động mới phát sinh trong bố cảnh nhiều tổ chức đại diện như tranh chấp giữa các tổ chức đại diện với nhau về quyền thương lượng tập thể... 

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận và xin ý kiến thêm về các vấn đề như: khái niệm tranh chấp lao động; hòa giải có là thủ tục bắt buộc đối với tranh chấp lao động tập thể hay không... để đảm bảo rằng đình công không phải là vũ khí đầu tiên mà là vũ khí cuối cùng, song khi cần sử dụng vũ khí cuối cùng này thì người lao động có thể tiến hành được một cách hợp pháp”, theo ông Bốn. 

Đọc thêm