Tài sản nào được xác lập quyền sở hữu toàn dân?

(PLO) - Theo Nghị định số 29/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật thuộc nhóm đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nghị định này không điều chỉnh việc quản lý, xử lý đối với các tài sản: Tài sản là nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/07/1991 thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 23/2003/QH11 và Nghị quyết số 755/2005/QH11; Tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 05/2017/NĐ-CP; Tài sản là tàu bay bị bỏ tại Việt Nam thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 02/2012/NĐ-CP.

Theo Điều 3 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, tài sản bị tịch thu theo quy định pháp luật thuộc đối tượng được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Nhóm tài sản này bao gồm: tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; vật chứng vụ án, tài sản khác bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.

Nhóm tài sản khác cũng được xác lập quyền sở hữu toàn dân là tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật Dân sự, hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan. Nhóm tài sản này bao gồm: bất động sản vô chủ hoặc không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị đánh rơi, bỏ quên không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận; Tài sản bị chôn, giấu, vùi lấp, chìm đắm mà tại thời điểm phát hiện hoặc tìm thấy không có hoặc không xác định được chủ sở hữu theo quy định của pháp luật; Tài sản là di sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có người thừa kế nhưng không được hưởng di sản, từ chối nhận di sản hoặc hết thời hiệu yêu cầu chia di sản kể từ thời điểm mở thừa kế mà không có người chiếm hữu theo quy định của pháp luật về dân sự; tài sản là hàng hóa tồn đọng được lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi thuộc địa bản hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.

Ngoài ra, còn các nhóm tài sản khác cũng thuộc đối tượng xác lập sở hữu toàn dân, gồm: Tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện bị giải thể nhưng không có quỹ khác có cùng mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao hoặc bị giải thể do hoạt động vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật Dân sự; Tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa hạch toán ngân sách nhà nước và hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho nhà nước Việt Nam; Tài sản do DN có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời gian hoạt động; Tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án.

Đọc thêm