Tại sao Phan văn Vĩnh không bị còng tay khi dẫn giải đến tòa?

(PLO) -Việc không còng tay các bị cáo tại phiên xét xử vụ đánh bạc nghìn tỉ, liên quan đến ông Phan Văn Vĩnh, thẩm phán Vũ Văn Tuấn - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Phú Thọ cho rằng, không có quy định bắt buộc còng tay bị cáo tại tòa.

Tại sao Phan văn Vĩnh không bị còng tay khi dẫn giải đến tòa?

Sáng 14.11, phiên toà xét xử cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh và 91 đồng phạm trong đường dây đánh bạc online ngàn tỉ bước sang ngày làm việc thứ 3.

Vụ án có 92 bị cáo trong đó có 85 người được tại ngoại, 7 người bị bắt giam gồm bị cáo Phan Văn Vĩnh - cựu Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Nguyễn Thanh Hóa - cựu Thiếu tướng, Cục trưởng C50; Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch Công ty CNC; Phan Sào Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty VTC Online. Các bị cáo bị tạm giam nói trên đều không bị còng tay tại tòa.

Việc các bị cáo không bị còng tay tại tòa gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng, khi nhìn hình ảnh các bị cáo không bị còng tay trong phiên tòa xét xử ông Phan Văn Vĩnh, đồng phạm và hình ảnh nhiều bị cáo trong các phiên tòa hình sự khác, cảm nhận thấy rõ việc ứng xử với các bị cáo chưa được công bằng?

Liên quan vấn đề này, thẩm phán Vũ Văn Tuấn - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Phú Thọ cho rằng, sở dĩ HĐXX không còng tay các bị cáo trong thời gian xét xử vì họ chưa được chứng minh là có tội.

Ông Tuấn cho biết, việc lực lượng công an dẫn giải các bị cáo tới tòa phải còng tay vì nguy cơ có thể xảy ra tình trạng bỏ trốn, hoặc gây mất trật tự.

Tuy nhiên, với phiên tòa này, lực lượng bảo vệ an ninh rất nghiêm ngặt, huy động hơn 500 cán bộ chiến sĩ công an, cảnh sát cơ động... nên nguy cơ này không thể xảy ra.

Theo Thẩm phán TAND tỉnh Phú Thọ, cũng không có quy định bắt buộc còng tay bị cáo tại tòa, điều này phù hợp xu hướng tố tụng và tư pháp hình sự nhân văn của các nước tiên tiến. Thậm chí tại một số nước, bị cáo không bị còng tay trên đường dẫn giải.

Ngoài ra, tại tòa, các bị cáo trong vụ đánh bạc này được tự do lựa chọn quần áo, trang phục. Một số bị cáo trong các vụ án khác đều mặc “đồng phục” nhưng không được phép xem đó là áo tù. “Các bị cáo đều bình đẳng trước pháp luật” - lãnh đạo TAND tỉnh Phú Thọ nói.

Đọc thêm