Tăng cường bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho trẻ em

(PLO) - Thời gian qua, việc thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em liên quan đến lĩnh vực trợ giúp pháp lý (TGPL) đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong bối cảnh Luật Trẻ em năm 2016 sắp có hiệu lực thi hành (ngày 1/6/2017) và Luật TGPL đang được sửa đổi thì hoạt động TGPL cho trẻ em tiếp tục được xã hội quan tâm nhằm bảo đảm quyền được TGPL cho đối tượng này.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau 10 năm thực hiện cung cấp dịch vụ TGPL, toàn quốc đã thực hiện hàng chục nghìn vụ việc TGPL cho trẻ em. Mặc dù số lượng vụ việc TGPL cho trẻ em còn khá khiêm tốn so với số vụ việc TGPL đã thực hiện (chỉ chiếm chưa đến 10% tổng số vụ việc được thực hiện) nhưng hầu hết các vụ việc đã giúp trẻ em là người được TGPL bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp được pháp luật quy định. Một số vụ việc được dư luận xã hội quan tâm, ủng hộ và đánh giá cao như vụ cháu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Tháp); vụ cháu Nguyễn Hào Anh (Cà Mau); vụ cháu Hồ Thị Thúy Ngân (Bình Dương), vụ cháu Đặng Diễm Quỳnh (Hà Nội)…

Qua công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL hàng năm cho thấy, phần lớn các vụ việc TGPL cho trẻ em được thực hiện đều đạt chất lượng tốt theo quy định của Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, đặc biệt, các vụ việc tham gia tố tụng đều được các Trung tâm TGPL Nhà nước đã phân công các trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên là luật sư có nhiều kinh nghiệm thực tế, am hiểu tâm lý trẻ em để thực hiện việc TGPL.

Bên cạnh những kết quả trên, trong quá trình thực hiện TGPL cho trẻ em đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Quyền được TGPL của trẻ em tại một số địa phương, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và trong một số trường hợp đặc biệt chưa được bảo đảm thực hiện đầy đủ; tình trạng xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em và hành vi vi phạm pháp luật của trẻ em vẫn còn nhưng chậm được phát hiện.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức với Trung tâm, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ sở chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên; việc lồng ghép các hoạt động bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em với hoạt động TGPL chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức về quyền trẻ em còn hạn chế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, nhất là tại các địa phương còn thiếu sát sao…

Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định 14 nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và một số chính sách hỗ trợ trẻ em, trong đó có chính sách về TGPL. Ngoài ra, sắp tới đây Dự án Luật TGPL (sửa đổi) cũng sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua, trong đó sửa đổi, bổ sung về người được TGPL như người dưới 18 tuổi bị buộc tội, những người có khó khăn về tài chính như người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị hại, người làm chứng trong vụ án hình sự, trẻ em (trừ người dưới 18 tuổi bị buộc tội). 

Trước mắt, để hướng dẫn Luật Trẻ em, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật đã quy định các nhóm chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bao gồm các nhóm chính sách về hỗ trợ giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; chính sách chăm sóc sức khỏe; chính sách trợ giúp xã hội và chính sách hỗ trợ sử dụng các dịch vụ TGPL, tư vấn, trị liệu tâm lý, các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác.

Cụ thể, Dự thảo Nghị định quy định Nhà nước hỗ trợ để trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sử dụng các dịch vụ TGPL, tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác, đặc biệt trong thời gian áp dụng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã. Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì theo thẩm quyền, trình Chính phủ quy định chi phí, đơn giá các dịch vụ TGPL, dịch vụ tư vấn sức khỏe, trị liệu tâm lý và dịch vụ bảo vệ trẻ em khác áp dụng đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở cung cấp dịch vụ TGPL, cơ quan công an, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em tham gia thực hiện, hỗ trợ việc thực hiện kế hoạch.

Đọc thêm