Tăng cường trách nhiệm trong bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo

(PLO) -Tố cáo là một quyền hiến định nhưng việc thực hiện quyền tố cáo của công dân thời gian qua tồn tại nhiều bất cập. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này cũng được Chính phủ thừa nhận trong Báo cáo tổng kết 4 năm thi hành Luật Tố cáo là “các quy định về bảo vệ người tố cáo khó thực hiện, chưa tạo thiết lý pháp lý cần thiết để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất”… 
Hình minh họa
Hình minh họa

Thường ở thế yếu

Khảo sát thực tế cho thấy, người tố cáo thường ở thế yếu, bị phụ thuộc nhiều vào người bị tố cáo nên rất dễ bị trù dập, trả thù, bị mất việc làm, bị đe dọa đến tính mạng, tài sản của mình và người thân. 

Nhiều người tố cáo đã phải gánh chịu những hậu quả. Chẳng hạn như trường hợp ông T.V.K ở TP.Hồ Chí Minh bị đe dọa sau khi tố cáo nên lo sợ, hoang mang chẳng biết đưa gia đình trốn đi đâu. 

Ngay trong môi trường sư phạm, 3 cô giáo mầm non ở Gia Lai tố cáo ông hiệu trưởng sai phạm về thu chi, tư cách không đúng chuẩn mực nên đã bị điều công tác đến vùng sâu, vùng xa hay một thầy giáo ở Kiên Giang phải đi kêu cứu vì bị trù dập do chống tiêu cực. Trong ngành y, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng trù dập nhân viên, phân công nhiệm vụ không đúng chuyên môn, điều động công việc như “chong chóng”, gây khó khăn rồi tìm cách kỷ luật không thương tiếc…

Tất nhiên, cũng có trường hợp người tố cáo có tâm lý lo sợ đi tố cáo, có tình trạng “mũ ni che tai”, không tố cáo những vi phạm pháp luật nếu nó không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình vì sợ liên lụy đến bản thân. Có điều trớ trêu là khi người dân càng tích cực, chủ động thực hiện quyền tố cáo thì bản thân họ và người thân càng khó tránh khỏi sự trả thù, hầu hết họ đều bị thua thiệt, đôi lúc phải trả giá rất đắt. 

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Đỗ Gia Thư đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân như các cơ quan có thẩm quyền thường vào cuộc chậm, nhiều trường hợp lúng túng trong việc đưa ra các biện pháp bảo vệ sức khỏe, danh dự, việc làm, chỗ ở và tài sản của người tố cáo; tình trạng áp đặt, lộng quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Không những thế, vai trò mờ nhạt của đoàn thể trong các cơ quan, đơn vị cũng là một nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tình trạng kẻ mạnh thì bưng bít thông tin, người tố cáo bị trù úm kéo dài.

“Bài học đau lòng về thiếu dân chủ, không ai dám lên tiếng ở trường tiểu học Nam Trung Yên – Cầu Giấy ngay giữa Thủ đô Hà Nội; 3 cô giáo tố cáo tiêu cực bị điều chuyển công tác ở Gia Lai hoặc vụ “30 năm làm Hiệu trưởng”… đều cảnh tỉnh cho chúng ta hồi chuông báo động về sự vô hiệu hóa vai trò của các tổ chức đảng, các đoàn thể xã hội, không ai dám đứng ra bảo vệ người ngay thẳn, bảo vệ lẽ phải, không có ai dàm cùng đồng hành để bảo vệ người tố cáo” - ông Thư dẫn chứng. 

Trong khi ấy, pháp luật về bảo vệ người tố cáo có nhiều điểm hạn chế như quy định về các cơ quan bảo vệ người tố cáo còn chồng chéo về chức năng; thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong bảo vệ người tố cáo… 

Ngoài ra, các biện pháp, điều kiện bảo vệ người tố cáo còn mang tính định tính, chưa được cụ thể hóa. Điển hình là các quy định này thường sử dụng thuật ngữ “khi có căn cứ”, “nơi an toàn”, “nơi cần thiết” dễ dẫn tới việc các cơ quan chức năng áp dụng tùy tiền hoặc không có cơ sở xác minh làm tiền đề cho việc áp dụng các biện pháp bảo vệ.

Đảm bảo tính khả thi 

Để góp phần giải quyết những bất cập trên, Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nội dung cụ thể vào chế định bảo vệ người tố cáo. Trên cơ sở kế thừa các quy định về bảo vệ người tố cáo của Luật Tố cáo hiện hành và Nghị định số 76/2012/NĐ-CP, Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) đã dành một chương quy định nội dung này, đảm bảo chặt chẽ và có khả thi trong thực tiễn. 

Cụ thể, Dự thảo Luật bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ người tố cáo; quy định về việc áp dụng biện pháp bảo vệ, chấm dứt việc bảo vệ; quy định chi tiết về việc lập hồ sơ bảo vệ. Bên cạnh đó, Dự thảo đã tập trung quy định những nội dung bảo vệ người tố cáo như bảo vệ tính mạng, sức khỏe, bảo vệ tài sản, bảo vệ uy tín danh dự, bảo vệ vị trí công tác việc làm của người tố cáo…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định hơn nữa để bảo đảm tính khả thi khi triển khai việc bảo vệ người tố cáo. Chỉ bàn riêng về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong bảo vệ người tố cáo, theo ông Thư, quy định như vậy còn quá chung chung và chưa đầy đủ, chưa thấy quy định trách nhiệm bảo vệ người tố cáo của các cơ quan, đơn vị, tổ chức khi tiếp nhận, xử lý ban đầu đơn tố cáo. 

Vì vậy, ông Thư khuyến nghị thành lập một cơ quan chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo. Căn cứ trên tình hình thực tế Việt Nam, pháp luật có thể giao chức năng chủ trì, điều phối và chuyên trách bảo vệ người tố cáo cho cơ quan công an, cụ thể là cho lực lượng cảnh sát. 

Chủ tịch Hội Luật gia TP.Hải Phòng Trần Ngọc Vinh thì đề xuất các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy trình nghiệp vụ về tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố cáo. Trong đó, nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân trong việc bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo. Mặt khác, cần thiết phải quán triệt sâu sắc ý nghĩa và nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, công chức có trách nhiệm tham gia vào quá trình tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố cáo về việc bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo.

Nguyên Chánh Thanh tra (Bộ Xây dựng) Phạm Gia Yên đánh giá, mặc dù quy định về cơ chế bảo vệ người tố cáo như Dự thảo Luật là rất đầy đủ và như vậy người tố cáo hoàn toàn yên tâm để thực hiện công việc tố cáo của mình. Tuy nhiên, xét về góc độ thực tế thì điều này chỉ có thể xảy ra đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, người tố cáo và những người thân của họ là bằng chứng duy nhất để phục vụ công tác điều tra xét xử. 

“Nên chăng Dự thảo cần quy định rõ là cơ quan công an nào, cấp phường, cấp quận, cấp thành phố… Trong trường hợp các cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ người tố cáo, người thân của người tố cáo không triển khai bảo vệ, hoặc bảo vệ không hết trách nhiệm mà người tố cáo, người thân của họ bị trả thù thì trách nhiệm đến đâu?” – ông Yên kiến nghị.

Đọc thêm