Thân nhân người có công được hưởng BHYT theo mức nào?

(PLO) - Ông Nguyễn Hữu Cần (TP. HCM) hỏi: Thân nhân người có công với cách mạng trường hợp nào thì được hưởng 95% BHYT? Người có công có tỉ lệ thương tật dưới 61% thì thân nhân của họ được hưởng BHYT ở mức nào?
Hình chỉ có tính minh họa
Hình chỉ có tính minh họa

Về vấn đề này, BHXH TP. Hồ Chí Minh trả lời như sau:

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật số 46/2014/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015); Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT;

Theo đó, thân nhân của người có công với cách mạng được ngân sách Nhà nước đóng BHYT và được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng, gồm các đối tượng như sau: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Như vậy, thân nhân của các đối tượng nêu trên được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh. Trường hợp thân nhân của thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động dưới 61% hoặc người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động dưới 61% (trừ con đẻ từ trên 6 tuổi bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học không tự lực được trong sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt) nếu tham gia BHYT theo đối tượng khác thì có mức hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh theo quy định.

Đọc thêm