Thành lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh, nên hay không?

(PLO) - Đề xuất thành lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh là một trong những vấn đề đang gây nhiều tranh cãi nhất của Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) vừa được đưa ra thảo luận tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH).
Kiểm ngư nhận bàn giao tàu tuần tra.
Kiểm ngư nhận bàn giao tàu tuần tra.

Theo tờ trình của Chính phủ, so với Luật Thủy sản năm 2003, Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) có thêm một chương về lực lượng kiểm ngư, trong đó quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của kiểm ngư; phối hợp trong hoạt động của lực lượng kiểm ngư. 

Chuyển thanh tra chuyên ngành cấp tỉnh thành kiểm ngư 

Năm 2012, Chính phủ đã thành lập lực lượng Kiểm ngư Việt Nam và ngày 17/11/2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2075/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2020, định hướng năm 2030. Việc có lực lượng kiểm ngư với thẩm quyền, trang thiết bị đủ mạnh và có cơ chế phối hợp với các lực lượng khác sẽ góp phần tăng cường sự hiện diện của các lực lượng chức năng Việt Nam trên biển; góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên biển; tương đồng với mô hình tổ chức, hoạt động của lực lượng kiểm soát, bảo vệ pháp luật thuỷ sản trên biển của nhiều nước có vùng biển tiếp giáp hoặc chồng lấn với Việt Nam. 

Thống kê của Chính phủ cho biết, hiện ở cấp Trung ương có Cục Kiểm ngư và 5 chi cục kiểm ngư Vùng. Ở cấp tỉnh có chi cục thủy sản 28 tỉnh, thành phố ven biển được giao thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản. Chính phủ đề nghị lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh trên cơ sở chuyển đội ngũ thanh tra chuyên ngành về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc phòng thanh tra (pháp chế, thanh tra) thuộc chi cục thủy sản. Chính phủ khẳng định việc hình thành kiểm ngư cấp tỉnh về cơ bản sẽ không làm phát sinh thêm nhân lực và phương tiện để triển khai nhiệm vụ, chỉ phát sinh ngân sách nhà nước để chi chế độ phụ cấp cho đội ngũ này như kiểm ngư hiện tại khoảng 9 tỷ đồng/năm.

Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH cho rằng, việc chuyển lực lượng thanh tra chuyên ngành tại chi cục thủy sản của 28 tỉnh sang kiểm ngư là không phù hợp, chỉ cần tăng cường nguồn lực phục vụ hoạt động thanh tra và có sự phối hợp tốt của kiểm ngư vùng. Mặt khác, nếu chuyển thành lực lượng kiểm ngư thực hiện trên vùng biển thì không có lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành trên các vùng nội thủy (sông, hồ, đầm, phá). 

Ngoài ra, việc xây dựng thêm lực lượng kiểm ngư sẽ trái với tinh thần Nghị quyết 39/NQ-TW ngày 17/4/2015 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Việc thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ công chức làm công tác thanh tra trên biển – một nội dung được quan tâm nhiều, thì có thể được nghiên cứu thực hiện thông qua quyết định của Chính phủ mà không cần thiết phải thực hiện bằng việc thành lập kiểm ngư cấp tỉnh như Dự thảo Luật.

Có nên thành lập kiểm ngư vùng sông?

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải nêu vấn đề hiện nay ở các khu vực ven bờ có tình trạng khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt, đòi hỏi lực lượng kiểm ngư phải quản lý. Trong khi đó, lực lượng kiểm ngư trung ương quản lý không xuể, còn lực lượng biên phòng chỉ hoạt động giới hạn trong phạm vi 12 hải lý, bởi vậy ông Hải đề nghị xem xét chủ trương, chiến lược để đảm bảo kiểm ngư mạnh lên, đủ sức ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài. “Lực lượng tổ chức kiểm ngư phải trang bị thành một lực lượng chính quy” – ông Hải đề xuất.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình băn khoăn ranh giới trên biển giữa các tỉnh ở nhiều nơi không rõ ràng nên có thể dẫn đến sự chồng lấn khi lập lực lượng kiểm ngư của từng tỉnh. Do vậy, ông đề xuất chỉ quy định lực lượng kiểm ngư ở từng vùng, đảm bảo sự phối hợp của lực lượng này với lực lượng an ninh trên biển. Ngoài ra, ông Bình cũng đặt vấn đề “có kiểm ngư vùng sông không hay chỉ có kiểm ngư vùng biển?” vì hiện nay việc nuôi cá trên sông rất nhiều. “Ví dụ thượng nguồn nuôi cá hạ nguồn gánh chịu hậu quả ô nhiễm. Những vấn đề này đặt ra việc phải có thanh tra hay kiểm ngư” – ông nói.

Còn Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng không nhất thiết tỉnh nào cũng phải có lực lượng kiểm ngư, những tỉnh có bờ biển rộng thì cần nhưng những tỉnh bờ biển hẹp thì không cần. Vì theo ông, những tỉnh nghèo không có điều kiện để lập lực lượng này. 

Khai thác thủy sản cũng có hạn ngạch

So với Luật hiện hành, Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) đã bổ sung quy định về việc thực hiện cấp hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản. Theo Chính phủ, thay đổi về phương thức cấp phép so với Luật Thủy sản 2003 nhằm phù hợp với phương thức quản lý của các quốc gia trên thế giới và nhằm kiểm soát được nguồn lợi chặt chẽ hơn. Đây là công cụ quản lý hữu hiệu mà phần lớn các quốc gia hiện nay đang áp dụng quản lý đóng mới và phát triển tàu cá khai thác hiệu quả, sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản.

Bày tỏ sự nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH về nội dung này, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đề nghị “phải cấp hạn ngạch đánh bắt cá, không thể để đánh bắt vô tội vạ như hiện nay”. 

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị cần bổ sung thêm một số hành vi trong các điều cấm ở dự thảo luật như vùng cấm khai thác, cấm khai thác vào mùa sinh đẻ. Đồng thời, “việc cố ý đưa hóa chất vào thủy sản có bị cấm không? Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn trong danh mục cấm cũng phải quy định vào luật” – ông đề nghị. 

Phó Chủ tịch QH cũng cho rằng trong quy định về điều cấm của dự thảo Luật mới chỉ nói đến chủ thể là người khai thác, nuôi trồng thủy hải sản. Do vậy, ông đề nghị phải ghi rõ điều cấm với lực lượng quản lý trong vấn đề cấp phép, kiểm tra, thanh tra, như kiểm ngư có các hành vi bao che, cản trở, nhũng nhiễu ngư dân, người đầu tư…

Đọc thêm