Thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính: Vẫn khó xử lý một số đối tượng “cộm cán”

(PLO) - Một trong những vấn đề được quan tâm trong quá trình triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong lực lượng Công an nhân dân là việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (BPXLHC) do có nhiều quy định mới. Đây cũng là vấn đề được thảo luận sôi nổi tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 4 năm thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính trong Công an nhân dân được tổ chức ngày 25/8 dưới sự chủ trì của Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an.
Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Giảm tới 88% số đối tượng thuộc diện quản lý, giáo dục

Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhờ vậy đạt nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo thống kê của các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ, Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính từ ngày 1/7/2013 đến ngày 31/3/2017, lực lượng Công an nhân dân đã phát hiện và xử lý hơn 17 triệu vụ việc vi phạm hành chính, tổng số tiền phạt thu được từ xử phạt vi phạm hành chính là hơn 11 nghìn tỷ.

Riêng đối với việc áp dụng các BPXLHC (đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc), hiện nay, các trường giáo dưỡng đang quản lý, giáo dục 305 học sinh, các cơ sở giáo dục đang quản lý, giáo dục 604 trại viên. So với năm 2013 thì số lượng học sinh được quản lý, giáo dục tại trường giáo dưỡng giảm 88,22% (năm 2013 có 2.590 học sinh); số lượng trại viên được quản lý, giáo dục tại cơ sở giáo dục bắt buộc giảm 88% (năm 2013 có 4.900 trại viên).

Theo đánh giá của Bộ Công an, thực tiễn áp dụng các BPXLHC cơ bản phù hợp với từng loại đối tượng, đúng thủ tục theo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và huy động được sự tham gia của cộng đồng xã hội. Một trong những thay đổi lớn của Luật năm 2012 so với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính là quy định về thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng các BPXLHC. Theo đó, thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp này được chuyển từ Chủ tịch UBND sang TAND. Việc quy định TAND xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp này đã góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thể hiện xu hướng tiến bộ, dân chủ.   

Đội ngũ cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực này thì được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ, có nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình với công tác, đáp ứng yêu cầu công việc. Việc tiếp nhận đối tượng vào các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Đối tượng được đưa vào các cơ sở trên đều được tạo điều kiện tham gia học văn hóa, học nghề để sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt sẽ sớm ổn định cuộc sống, tìm kiếm việc làm.

“Bó tay” trong xử lý một số đối tượng “thích” gây rối

Tuy nhiên, một số quy định liên quan đến việc áp dụng các BPXLHC còn chưa thống nhất, không khả thi gây ra nhiều khó khăn trong việc áp dụng pháp luật trên thực tiễn như quy định về đối tượng, trình tự, thủ tục áp dụng BPXLHC, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các biện pháp này. 

Cụ thể, về thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng các BPXLHC, Luật năm 2012 không quy định về biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với người bị đề nghị, bị xem xét, thi hành quyết định áp dụng biện pháp hành chính mà thay vào đó là giao đối tượng này cho gia đình, cơ sở xã hội, cơ sở cắt cơn quản lý. Quy định này hoàn toàn không khả thi trong thực tiễn áp dụng bởi đây là các đối tượng hay gây rối, nghiện ma túy, lang thang, không ở cùng gia đình, thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc mắc bệnh hiểm nghèo nên gia đình và tổ chức xã hội không đủ khả năng quản lý, giáo dục. Trong thời gian lập hồ sơ, họ bỏ đi khỏi nơi cư trú, không vào hoặc trốn khỏi cơ sở bảo trợ xã hội, đến khi cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ xong thì đối tượng đã bỏ đi nên không áp dụng, thi hành được các biện pháp này.

Đáng chú ý là quy định về đối tượng áp dụng BPXLHC có sự trùng dẫm với đối tượng bị áp dụng của Bộ luật Hình sự như đối tượng trộm cắp nhỏ, gây rối trật tự công cộng… đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục có hành vi vi phạm thì sẽ bị khởi tố hình sự. Đây cũng là đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc… 

Ngoài ra, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc phải có điều kiện “2 lần trở lên trong 6 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” là không phù hợp, không có tính khả thi trong thực tiễn. Bởi vì điều kiện này có thời hạn quá ngắn. Mặt khác, các đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính cứ chờ hết thời hạn 6 tháng mới tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm để không bị áp dụng biện pháp này. Trong khi đó, đây đều là những đối tượng thường xuyên đâm, chém nhau, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, nghiện ma túy, nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc mắc bệnh hiểm nghèo như lao phổi, HIV/AIDS… dẫn đến thời gian vừa qua, xảy ra rất nhiều vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.

Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn: Vi phạm hành chính không xử lý kịp thời cũng sẽ có nhiều ảnh hưởng không tốt

Trong triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Lãnh đạo Bộ không đặt ra mục tiêu xử lý vi phạm nhiều, đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng thật nhiều nhưng thực tiễn cho thấy nếu không quản lý chặt chẽ, các đối tượng vi phạm không bị kịp thời xử lý sẽ lập tức ảnh hưởng đến toàn xã hội, nảy sinh tâm lý bất an… Công tác xử lý vi phạm hành chính có ý nghĩa quan trọng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm nên Lãnh đạo Bộ Công an cũng hết sức tập trung chỉ đạo triển khai trong toàn lực lượng đối với công tác này. Nhờ đó, đã đạt nhiều kết quả, góp phần kiềm chế vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật, song tình hình vi phạm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trên cơ sở kết quả vừa qua, tới đây cần triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính với quyết tâm cao hơn, khác với thời gian đầu khi Luật mới có hiệu lực thi hành. Trong bối cảnh chưa sửa đổi được Luật thì với tinh thần, trách nhiệm của người cán bộ, chiến sỹ Công an, đòi hỏi chúng ta phải năng động, sáng tạo, thống nhất trong nhận thức và hành động để thực sự “vì nhân dân phục vụ, vì bình yên cuộc sống”. 

Cục trưởng Cục C86 (Tổng cục VIII, Bộ Công an), Thiếu tướng Phạm Văn Thế: Tách bạch 2 trường hợp về truy cứu trách nhiệm hình sự

Điều 117 Luật năm 2012 về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng có hành vi phạm tội được thực hiện trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc có quy định trong trường hợp phát hiện được thì theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, hiệu trưởng trường giáo dưỡng, giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đối với người đó và chuyển hồ sơ của đối tượng cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự…

Thực hiện Điều này, thời gian qua thực hiện có hiệu quả đối với các đối tượng đang chấp hành quyết định tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc. Tuy nhiên, với đối tượng chưa được đưa đến cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng để chấp hành, các cơ sở giáo dục bắt buộc, các trường giáo dưỡng chưa tiếp nhận, quản lý các đối tượng này nên không phù hợp. 

Tới đây, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 117 và tách làm 2 khoản khác nhau: Đối với các đối tượng đang chấp hành quyết định tại cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng thì hiệu trưởng trường giáo dưỡng, giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định trên cơ sở đề nghị, yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền. Đối với các đối tượng chưa được đưa đến cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng để chấp hành quyết định thì trưởng công an cấp huyện nơi đang điều tra, xử lý hình sự đối tượng đề nghị tòa án cấp huyện ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định.

Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) Lê Văn Thư: Cần hoàn thiện một số quy định để nâng cao hiệu quả thi hành Luật

Để nâng cao hiệu quả thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, cần mở rộng diện đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Theo đó, cần bỏ điều kiện “2 lần trở lên trong 6 tháng thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng”, “đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn”; bỏ quy định về giao cho gia đình hoặc tổ chức xã hội quản lý người đang bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng BPXLHC, đồng thời bổ sung quy định về tạm giữ với đối tượng này. Đối với trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng BPXLHC, cần sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản trình tự, thủ tục lập hồ sơ, xem xét, quyết định, thi hành BPXLHC để việc áp dụng biện pháp này hiệu quả trong thực tiễn. Thành Công

Đọc thêm