Thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến cho học sinh THPT: Sân chơi bổ ích cho học sinh

(PLO) - Năm 2016, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo, Công ty Cổ phần Tập đoàn giáo dục Egame đã tổ chức thành công cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến (với tên gọi Luật gia tưởng lai) cho học sinh THPT trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố. Đây là những cuộc thi được đánh giá tạo được sân chơi bổ ích cho học sinh và hứa hẹn sẽ được phát triển trong các năm tiếp theo.
Thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến cho học sinh THPT: Sân chơi bổ ích cho học sinh

Tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh; cung cấp kiến thức pháp luật cơ bản, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống pháp lý, xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật; nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành và bảo vệ pháp luật; giảm thiểu vi phạm pháp luật… là mục đích mà cuộc thi nói trên hướng tới để tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường thông qua các hoạt động giáo dục ngoại khóa ngoài giờ lên lớp.

Với phương châm kết hợp giữa chơi với học, cuộc thi đề ra yêu cầu phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh; tạo không khí học tập, tìm hiểu pháp luật sôi nổi, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh trong nhà trường và toàn xã hội. Cuộc thi được tổ chức thí điểm tại tất cả các trường THPT trên địa bàn 03 tỉnh, thành phố: Đồng Tháp, Hà Nội và Hồ Chí Minh trong năm 2016. Cuộc thi được tổ chức theo 2 cấp: Cấp trường và cấp tỉnh. Tại cấp trường, mỗi trường lựa chọn 03 học sinh đạt điểm số cao nhất theo thứ tự từ cao xuống thấp để trao giải và tham gia dự thi cấp tỉnh, thành phố. Mỗi tỉnh, thành phố chọn 25 học sinh đạt điểm số cao nhất theo thứ tự từ cao xuống thấp để xét trao giải thưởng. 

Có thể nói, với các nội dung pháp luật gần gũi, nội dung cuộc thi gói trong các kiến thức pháp luật được giảng dạy trong nhà trường theo chương trình THPT, có mở rộng, cập nhật một số kiến thức pháp luật mới phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh THPT được nhiều học sinh nhận xét “không quá khó”. Vì vậy, số lượng học sinh thi tại ba địa phương rất cao.

Tại Hà Nội đã có 13.168 thí sinh đăng ký với 9.563 thí sinh dự thi, chiếm 72,62%. Tổng kết cuộc thi, Ban tổ chức đã chọn được 240 em đạt giải cấp trường và dự thi online cấp thành phố, trong số đó có 156 em có số điểm từ 100 điểm trở lên. Trên cơ sở kết quả vòng loại online cấp thành phố của 240 thí sinh, Ban Tổ chức đã lựa chọn 60 thí sinh có số điểm cao nhất để dự thi vòng chung kết cấp thành phố. Kết quả, đã có 52 em dự thi, Ban Tổ chức trung ương đã lựa chọn 25 thí sinh có số điểm cao nhất để trao giải gồm: 15 giải khuyến khích, 6 giải ba, 3 giải nhì, 1 giải nhất.

Tại tỉnh Đồng Tháp có 13.339 em tham gia dự thi, nhiều huyện dù điều kiện về công nghệ còn khó khăn nhưng cũng có đông đảo các em học sinh tham gia. Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho rằng, cuộc thi mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, đó không chỉ là hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả trong nhà trường, cần tiếp tục phát triển trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, ngay trong ngày đầu phát động, hàng ngàn học sinh đã hào hứng tham gia cuộc thi. Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM Trần Văn Bảy cho biết, cuộc thi này là sáng kiến phối hợp giữa ngành Tư pháp và ngành Giáo dục nhằm tăng cường hơn nữa công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường thông qua các hoạt động ngoại khóa. Đây cũng chính là một trong nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (ngày 9/11 hàng năm) mà các cơ quan hưởng ứng.

Còn theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Lân đánh giá cuộc thi là bước khởi đầu cho hướng đi mới, qua đó nhằm triển khai hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho các em học sinh trong nhà trường. Từ đó, tạo sự thân thiện, gần gũi giúp các em tự giác trong việc trang bị kiến thức để chủ động nắm bắt và tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. 

Mặc dù năm 2016 cuộc thi mới được tổ chức tại 3 tỉnh, thành phố song đã thu hút được sự quan tâm, tham gia đông đảo của các em học sinh tại các địa bàn thí điểm. Trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh việc dạy và học pháp luật trong nhà trường, đổi mới hình thức tuyên truyền pháp luật thì việc nghiên cứu nhân rộng mô hình nói trên là rất cần thiết, góp phần vào việc nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho các em học sinh. 

Đọc thêm