Thời hạn sử dụng các loại giấy phép lái xe

(PLO) - Người có giấy phép lái xe hạng B1 số tự động không được lái xe số sàn; hạng A1, A2, A3 không có thời hạn; A4 dùng trong 10 năm...

Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTV quy định về thời hạn của giấy phép lái xe như sau: 

- Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3: Không có thời hạn.

- Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

- Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

- Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp.

Sử dụng và quản lý giấy phép lái xe

- Giấy phép lái xe bằng vật liệu PET, cấp cho mỗi người bảo đảm duy nhất có một số quản lý, dùng chung cho cả giấy phép lái xe không thời hạn và giấy phép lái xe có thời hạn.

- Cá nhân nếu có nhu cầu tích hợp giấy phép lái xe, thì đăng ký vào đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe (quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này hoặc làm thủ tục đổi giấy phép lái xe theo quy định tại Điều 38 của Thông tư này).

- Người đã có giấy phép lái xe tích hợp của giấy phép lái xe có thời hạn và không thời hạn, nếu có nhu cầu tách giấy phép lái xe thì làm thủ tục tách giấy phép lái xe (theo quy định tại Điều 38 của Thông tư này).

- Người có giấy phép lái xe chỉ được lái loại xe ghi trong giấy phép lái xe.

- Khi đổi, cấp lại, cấp giấy phép lái xe nâng hạng, cơ quan cấp giấy phép lái xe cắt góc giấy phép lái xe cũ và giao cho người lái xe bảo quản.

- Giấy phép lái xe phải được mang theo người khi lái xe.

thoi-han-su-dung-cac-loai-giay-phep-lai-xe

Đồ họa 9 hạng giấy phép lái xe.

- Giấy phép lái xe bị tước quyền sử dụng hoặc thu hồi theo quy định của pháp luật.

- Người có giấy phép lái xe hạng B1 muốn hành nghề lái xe và người có nhu cầu nâng hạng giấy phép lái xe phải dự khóa đào tạo và sát hạch để được cấp giấy phép lái xe mới.

- Người có giấy phép lái xe hạng B1 số tự động không được lái loại xe ôtô số cơ khí (số sàn); nếu có nhu cầu lái xe số cơ khí, phải học bổ sung và sát hạch nội dung thực hành lái xe để được cấp giấy phép lái xe hạng B1.

- Người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài có nhu cầu lái xe ở Việt Nam thực hiện như sau:

+ Nếu có giấy phép lái xe quốc gia phải làm thủ tục đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam;

+ Trường hợp điều ước quốc tế về giấy phép lái xe mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

- Người có giấy phép lái xe hạng FD, FE do ngành giao thông vận tải cấp lần đầu trước ngày1/7/2009, nếu có nhu cầu điều khiển xe ô tô tải kéo rơ moóc hoặc xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc được đổi bổ sung hạng FC.

- Giấy phép lái xe hạng A1, A2 do ngành Công an cấp trước ngày 1/8/1995, bằng lái xe và giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp còn giá trị được tiếp tục sử dụng.

- Giấy phép lái xe hợp lệ là giấy phép lái xe do Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải cấp, có số phôi giấy phép lái xe trùng với số phôi trong hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe.

- Người tẩy xoá, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe; sử dụng giấy phép lái xe hoặc hồ sơ lái xe giả; sử dụng giấy phép lái xe đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới giấy phép lái xe, ngoài việc bị cơ quan quản lý giấy phép lái xe ra quyết định thu hồi giấy phép lái xe, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống giấy phép lái xe còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, nếu có nhu cầu cấp lại giấy phép lái xe phải học và sát hạch như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu.

Đọc thêm