Thời hiệu khởi kiện vụ án thừa kế

(PLO) - Thời hiệu khởi kiện vụ án thừa kế được quy định như thế nào trong Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/01/2017.

Theo Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.

Tuy nhiên Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rất mới về thời hiệu khởi kiện về thừa kế, theo đó tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau: a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này; b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này”.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 viện dẫn nêu trên quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Vậy quy định này có áp dụng đối với trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/01/2017 (ngày BLDS năm 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành) hay không?

Đối với trường hợp này, Luật sư Trịnh Ngọc Thành (Cty luật Dân Quyền, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Theo quy định điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 quy định: Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực thì “Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”.

Như vậy, kể từ ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực thi hành, Tòa án áp dụng quy định tại Điều 623 BLDS năm 2015 để xác định thời hiệu đối với trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/01/2017. Tuy nhiên, cần lưu ý quy định tại khoản 2 Điều 688 BLDS năm 2015: “Không áp dụng Bộ luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực”.

Đây là một quy định rất mới, trên thực tế có rất nhiều trường hợp rơi vào tình huống nêu trên, theo quy định của Luật Dân sự cũ năm 2005 đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế (đã hết 10 năm kể từ ngày mở thừa kế), nhưng nếu vận dụng quy định nêu trên thì có thể khởi kiện lại, đề nghị Tòa án xem xét giải quyết chia lại di sản thừa kế.

Vấn đề này cũng đã được Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn giải đáp trong hội nghị trực tuyến ngày 12, 13, 14 tháng 5 năm 2016 tập huấn cho các thẩm phán, công chức ngành Tòa án về Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 10 thông qua.

Đọc thêm