Thông tin cá nhân sẽ được đảm bảo thế nào khi khám chữa bệnh từ xa?

(PLVN) - Khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; thế nhưng nhiều người dân lại lo lắng trước việc thông tin, hình ảnh cá nhân bị ảnh hưởng trong quá trình khám bệnh từ xa. Trả lời vấn đề này bộ Y tế cho biết về bảo mật thông tin người bệnh ngày 22/9/2020 Bộ Y tế đã ban hành quyết định tạm thời hướng dẫn và quy định tổ chức hội chuẩn khám chữa bệnh từ xa.
Cục Trưởng Cục Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê  thông tin tới báo chí về việc kết nối 1000 bệnh viện khám chữa bệnh từ xa.
Cục Trưởng Cục Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê thông tin tới báo chí về việc kết nối 1000 bệnh viện khám chữa bệnh từ xa.

Khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa

Ngày 25/9/2020, Bộ Y tế tổ chức khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo tại Lễ khánh thành.

Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng của ngành y tế trong năm 2020, góp phần thực hiện thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, ngày 3 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030, “Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 tại Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 với quan điểm chủ đạo là: “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn” tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.

Mục tiêu của Đề án là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Đến nay, sau 2 tháng triển khai đồng loạt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa đã có hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với hơn 20 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sỹ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải lên tuyến trên. Những điểm cầu vùng sâu, vùng xa đã được kết nối như với Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé…..

Tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức định kỳ tiến hành 1 tuần 2 buổi Telehealth (thứ 3 và thứ 5). Mỗi buổi sẽ có trung bình từ 8-10 bệnh nhân nặng được tham gia hội chẩn trực tuyến. Sau 5 tháng triển khai, bệnh viện đã tổ chức được 40 buổi hội chẩn Telehealth, 293 ca bệnh được hội chẩn; 162 bệnh viện đề xuất tham gia kết nối.

Ngày 01/9 mẹ con sản phụ Trần Thị T. 30 tuổi là giáo viên ở huyện Ba Đồn, Quảng Bình, được cứu sống kịp thời nhờ thực hiện tốt hội chẩn trực tuyến giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba và Bệnh viện Trung ương Huế thông qua Đề án Khám chữa bệnh từ xa - Telehealth. Chị nhập viện khi thai 35 tuần, dọa sinh non, có hội chứng tăng đông máu, nguy cơ tắc mạch máu rất hiếm gặp ở Việt Nam và trên thế giới. Sản phụ đã được Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới báo cáo hội chẩn qua Telehealth với Bệnh viện TW Huế và được cứu sống kịp thời cả mẹ và con.

Ngày 04/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã cứu sống người bệnh nam T.V.C, 32 tuổi (Bình Liêu, Quảng Ninh) được phẫu thuật trong tình trạng tràn khí màng phổi tái phát do vỡ kén khí màng phổi nhờ sự chỉ đạo trực tuyến của các chuyên gia ngoại khoa của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông qua hệ thống y tế từ xa Telemedicine.

Ngày 11/9 BV Bạch Mai hỗ trợ BV ĐK Tỉnh Hòa Bình cứu sống bệnh nhân sốc phản vệ, ngừng tim gần 60 phút nhờ khám chữa bệnh từ xa….

Nỗi lo thông tin cá nhân

Những lợi ích từ việc khám chữa bệnh từ xa là nhìn thấy được thế nhưng người dân vẫn còn nhiều lo lắng về vấn đề thông tin, hình ảnh cá nhân của bệnh nhân có bị lộ ra ngoài trong quá trình khám, điều trị bệnh từ xa hay không? 

Về vấn đề này Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng Bộ Y tế ông Nguyễn Đình Anh cho biết: “Vấn đề về bảo mật thông tin người bệnh, ngày 22/9/2020 Bộ Y tế đã ban hành quyết định tạm thời hướng dẫn và quy định tổ chức hội chuẩn khám chữa bệnh từ xa. Trong đó khoản 4 quy định rõ ràng về vấn đề này. Các biện pháp đó là không được chia sẻ thông tin cá nhân của người bệnh như; họ tên đầy đủ, địa chỉ, hình ảnh mặt, cơ thể bệnh nhân hoặc các thông tin có thể định người bệnh bằng bất kể hình thức nào thông qua hình ảnh, ghi âm, văn bản… Trường hợp có buổi hội chuẩn có bệnh nhân phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật để che hoặc làm mờ hình ảnh mặt nạn nhân. Đặc biệt không thực hiện tường thuật trực tiếp, livestream các buổi hội chuẩn, tư vấn khấm chữa bệnh từ xa qua các mạng xã hội hoặc các hình thức khác có thể làm lộ thông tin của người bệnh.”. 

Theo PGS.TS Trần Minh Điển – Phó giám đốc bệnh viện nhi Trung ương; vấn đề kết nối là một trong những khó khăn cần được tính tới, ở đây chúng ta nói đến hệ thống về công nghệ thông tin ở các bệnh viện tuyến trên và các bệnh viện tuyến dưới. 

Ở các bệnh viện tuyến trên thông thường được đầu tư khá tốt với các  hệ thống quản lí bệnh nhân, những phần cứng và phần mềm của công nghệ thông tin phải ổn và đây chỉ là nơi tiếp nhận các nguồn thông tin đưa về từ các tuyến. Thêm một khó khăn nữa là ở các tuyến dưới, có đến một nghìn điểm   khác nhau và thực trạng công nghệ thông tin của các tỉnh như thế nào cũng cần phải có sự điều tra và thâm nhập cụ thể để có thể đưa ra hình thức phù hơp nhất.

 Hiện nay,  có bốn mức độ có thể phục vụ công tác khám chữa bệnh từ xa;  mức độ đầu tiên chỉ cần một chiếc smarphone, gọi video call để kết nối với các đồng nghiệp ở trong các tình huống khẩn cấp cần cấp cứu, đây cũng là cái chúng tôi đang thực hiện tại các bệnh viện trung ương với những trường hợp cấp cứu từ các tuyến để có thể gọi trong đêm hoặc trong các ngày nghỉ. 

Hình thức thứ hai là video confidence, ví dụ như Zoom, bằng những nền tảng công nghệ số, chúng ta hoàn toàn có thể kết nối những cuộc họp hai bên với nhau, truyền tải cho nhau những thông tin để có thể đưa ra những kết luận chuẩn đoán và chữa trị cho người bệnh.

 Thứ ba là hình thức đầu tư từ phía các bệnh viện tuyến dưới. Các bệnh viện tuyến dưới cũng phải có những phần mềm tương ứng như phần mềm tách hay phần mềm quản lí bệnh viện để có thể đẩy những hình ảnh lên  các tuyến trên để hội chuẩn. Ở đây chúng ta đã có một số bệnh viện có thể hoàn thiện những tình trạng đó như bệnh viện Sản nhi, Phú Thọ…

 Thứ tư, cũng cần có sự đầu tư từ các tuyến chính là làm thế nào để những hình ảnh chuyển từ những phòng mổ, giường bệnh, mỗi chức năng sống của bệnh nhân trên các màn hình đó, chúng tôi cũng truyền tải trực tiếp những hình ảnh đó về phía bệnh viện Trung ương, để các bệnh viện Trung ương có thể ghi nhận lại, xem xét kĩ nhất tình trạng của người bệnh, đây là những cái có mức độ khó khăn hơn. Với bốn mức độ đó, chúng ta sẽ tùy theo tình trạng của người bệnh và những tình hình về những điều kiện cơ sở vật chất của các tuyến, để chúng ta có thể kết nối với nhau trong mọi tình huống. 

Đọc thêm